Một trong những tác phẩm được đánh giá cao tại cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền năm 2021.
Đa dạng mẫu hình
Vừa qua, Bộ VHTT&DL đã nhận được trên 400 tác phẩm của các tác giả trong cả nước tham dự cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ban tổ chức đã chấm chọn và trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 8 giải Khuyến khích và 1 giải Phong trào. Các tác phẩm tranh cổ động lần này đã gửi rất nhiều thông điệp hình ảnh. Đó là tinh thần bầu cử của mọi tầng lớp Nhân dân, từ chiến sĩ nơi đảo xa, đồng bào dân tộc vùng sâu, hay tinh thần của cử tri trẻ tuổi nhất, cử tri lớn tuổi nhất… đều được các họa sĩ khắc họa qua tranh.
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, hầu hết các tác phẩm dự thi đáp ứng được nội dung, yêu cầu chủ đề của cuộc thi, có chất lượng nghệ thuật cao. Thông qua hình ảnh và thông điệp sâu sắc, các tác phẩm đã giới thiệu, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; thành tựu của đất nước ta sau 35 năm đổi mới trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội cũng như những nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19 trong thời gian qua. Đồng thời, tuyên truyền về chủ trương, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về cuộc bầu cử; những thành tựu của Quốc hội và HĐND các cấp qua các thời kỳ; khẳng định sự kế thừa, phát huy tinh thần đổi mới của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Nhìn lại lịch sử tranh của mỹ thuật Việt Nam có thể thấy dòng tranh cổ động là một phần quan trọng, thể hiện không chỉ giá trị nghệ thuật mà còn cả giá trị lịch sử trong đời sống tinh thần của người dân, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến.
Vũ khí tuyên truyền hiệu quả
Tại một triển lãm về tranh cổ động thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Bảo tàng Mỹ thuật, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến nhận xét: “Trong khoảng thời gian kháng chiến chống Pháp, nhiều họa sĩ lên đường đi kháng chiến, họ tạm gác lại sáng tác tác phẩm thời kỳ cận đại thời kỳ 1930 - 1945, hướng sáng tác của mình vào những bức tranh cổ động phục vụ cho tiền tuyến, phục vụ cho sản xuất”.
Những bức tranh cổ động đầu tiên ra đời trong thời kỳ tiền khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đã thể hiện những đóng góp to lớn, sự giác ngộ cách mạng, mang khát vọng bảo vệ Tổ quốc đến với Nhân dân vùng kháng chiến. Những tác phẩm tranh cổ động của các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến... đã hỗ trợ đắc lực cho cuộc kháng chiến chống Pháp thành công, nhờ luôn bám sát và phản ánh về các chiến dịch của bộ đội, công tác binh vận, tình quân dân, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngoài ra, các bức tranh cổ động kỷ niệm những ngày lễ lớn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tranh tuyên truyền, cổ động.
Đáng kể là các tranh kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Bức tranh với khẩu hiệu “Cách mạng thành công muôn năm” vẽ hình chiến sĩ, đồng bào dưới lá cờ đỏ sao vàng với các loại vũ khí trong tay, tiến lên phía trước, một chiến sĩ đang giơ tay vẫy gọi đoàn người, chân đạp lên lưng một tên phát xít. Hay tranh phát hành nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Tám năm 1945 là tranh liên hoàn gồm 10 tranh diễn tả những hoạt động của toàn dân vui mừng, dưới mỗi hình là 2 câu thơ.
Trải qua thời gian, không ai phủ nhận những hiệu quả tác động của tranh cổ động đến từng sự lớn mạnh của đất nước. Chính vì vậy, qua mỗi dịp vận động sáng tác về tranh tuyên truyền cổ động, giới phê bình mỹ thuật lại càng nhấn mạnh về vị trí quan trọng của tranh cổ động trong ngành mỹ thuật Việt Nam.
Hải Vân - Theo KTĐT