N.T.V, cô gái 35 tuổi, xinh đẹp, giỏi giang, gia đình đầm ấm. Với công việc tổ chức sự kiện, cô có mức thu nhập mà nhiều người mong ước. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập đến, công việc của V. bị trì trệ khiến thu nhập chỉ còn 1/10 so với lúc trước.
Cũng trong khoảng thời gian này, V. xuất hiện các triệu chứng như: đau đầu, đau dạ dày, hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp. Đáng nói hơn, dù tổng thu nhập của cả gia đình vẫn ở mức cao, không phải bận tâm về vấn đề tài chính, chồng con yêu thương nhưng tâm trạng V. lại luôn chán nản, buông xuôi, nhiều lúc còn xuất hiện suy nghĩ không thiết sống nữa.
Ảnh minh họa
Tự nhận thấy mình có vấn đề bất thường về tâm lý, V. tìm đến bệnh viện để thăm khám. Tuy nhiên, dù đã đi nhiều nơi, kiểm tra cả về thần kinh lẫn nội tiết nhưng V. vẫn không xác định được bệnh của mình.
Phải đến khi được một bác sĩ đa khoa nhận thấy một số dấu hiệu nghi ngờ trầm cảm và khuyên V. đến khám tại các bệnh viện chuyên về sức khỏe tâm thần, căn bệnh thực sự mà chị mắc phải mới được phát hiện ra.
Là người trực tiếp điều trị cho V., Ts.Bs Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết: “Cô gái này mắc phải một dạng bệnh tâm thần tên là rối loạn lưỡng cực. Bệnh cảnh điển hình là bệnh nhân có những thái cực cảm xúc đối lập là hưng cảm - trầm cảm, thay phiên xuất hiện theo từng giai đoạn”.
Ts.Bs Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương
Cụ thể, ở giai đoạn hưng cảm, người bệnh lúc nào cũng sẽ lạc quan, tươi vui, phấn khởi, thích làm việc và tự đánh giá cao mình hơn tất cả mọi người. Tuy nhiên, khi chuyển sang giai đoạn trầm cảm, bệnh nhân lại buồn rầu, chán nản, thụ động một cách bất thường.
“Thời gian chuyển đổi giữa các giai đoạn có thể ngay trong 1 ngày, sáng hưng cảm đến tối lại trầm cảm, nhưng trường hợp này rất ít. Thông thường, mỗi giai đoạn kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng. Sự chuyển đổi giữa 2 thái cực có thể tự xảy ra hoặc do một biến cố nào đó đóng vai trò ngòi nổ” – BS Thu nói.
Đi sâu vào trường hợp của V., theo chuyên gia này, việc dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến công việc như là giọt nước làm tràn ly khiến V. chuyển sang thái cực trầm cảm: mệt mỏi, tác phong chậm chạp, không thích giao tiếp, hay có suy nghĩ bi quan, chán chường.
BS Thu thăm khám một bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm
Đối với rối loạn cảm xúc lưỡng cực, theo BS Thu, ngay trong chính giai đoạn hưng cảm, bệnh nhân cũng sẽ xuất hiện một số dấu hiệu bất thường, để có thể phát hiện.
BS Thu chia sẻ: “Qua thăm hỏi, chúng tôi biết được rằng, bệnh nhân V. ngay trong giai đoạn hưng cảm trước dịch Covid-19, cũng đã xuất hiện dấu hiệu bất thường. Theo đó, ban ngày V. vẫn rất vui tươi, năng nổ trong công việc nhưng về đêm lại có hiện tượng mất ngủ, bồn chồn không giải thích được”.
Cũng theo chuyên gia này, vì phát hiện muộn, V. bắt buộc phải điều trị bằng thuốc lâu dài, kết hợp với điều trị tâm lý. Đến nay, chị đã ổn định, có thể trở về với cuộc sống bình thường.
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực: “Kẻ giấu mặt” nguy hiểm
V. chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực mà BS Thu đã từng điều trị. Theo chuyên gia này, đây là vấn đề về sức khỏe tâm thần gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, nhưng vẫn thường bị xem nhẹ, bỏ sót.
“Rối loạn lưỡng cực có thể khởi đầu bằng giai đoạn trầm cảm hoặc hưng cảm. Giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm dài ngắn khác nhau ở từng người. Nếu cơn hưng cảm ngắn, mức độ trung bình hoặc nhẹ thì người bệnh chỉ đơn thuần cảm thấy nhiều sinh lực, yêu công việc, làm việc đôi khi lại rất hiệu quả nên rất khó bắt bệnh.
Chỉ khi người bệnh bộc lộ những dấu hiệu bệnh nặng như nói quá nhiều, can thiệp vô lý vào việc người khác, mất ngủ kéo dài, dễ nóng nảy thái quá thì người nhà mới có thể phát hiện và đưa tới cơ sở điều trị” – BS Thu phân tích.
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là vấn đề về sức khỏe tâm thần gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, nhưng vẫn thường bị xem nhẹ, bỏ sót
Thực tế hiện nay, vẫn còn rất nhiều trường hợp người bệnh bị bỏ sót điều trị. Nguyên nhân, theo chuyên gia này, phần lớn do quan điểm kỳ thị và tự kỳ thị về bệnh tâm thần.
Rối loạn lưỡng cực nếu không được điều trị thì sẽ tác động tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày, cũng như công việc. Nguy hiểm hơn, về lâu về dài có thể phát sinh các biến chứng dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
“Nhiều người sợ điều trị hoặc ngại uống thuốc, tâm lý này cần phải loại bỏ. Chữa bệnh tâm thần cũng giống như chữa các bệnh cơ thể khác như hen, tiểu đường, gout. Dùng thuốc kéo dài theo đơn là điều cần thiết và nên làm. Mọi người cần có cái nhìn tích cực hơn về sức khỏe tâm thần. Chữa trị để có cuộc sống hạnh phúc, đừng vì sợ thuốc mà đeo bệnh suốt đời” – BS Thu nhấn mạnh.
Minh Nhật - Theo Dân Trí