Thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô: Hà Nội luôn lắng nghe để tìm ra phương án tối ưu

21/10/2022 14:23

Kinhte&Xahoi Tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng trầm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân cũng như tốc độ phát triển của nền kinh tế. Do đó, cần phải có giải pháp bền vững, lâu dài nhằm cải thiện tình trạng này.

Đáp ứng được các yêu cầu trên, Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” được xem là một giải pháp ưu Việt, cùng lúc giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra, đồng thời cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô.

Ngày 4/7/2017, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã xác định 37 giải pháp, trong đó có giải pháp xây dựng Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.

Tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng trầm trọng

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã ký hợp đồng tư vấn với Trung tâm tư vấn phát triển giao thông vận tải thuộc Trường Đại học Giao thông vận tải để tiến hành nghiên cứu và xây dựng đề án.

Trong quá trình xây dựng đề án, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội và đơn vị tư vấn đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực liên quan và nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc.

Cùng với đó, đề án cũng chỉ ra các điều kiện kỹ thuật cần thiết để triển khai, cụ thể là đảm bảo điều kiện về công nghệ thu phí: Số hóa, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu về hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và trang thiết bị trên các phương tiện giao thông để có thể thực hiện được thu phí phí không dừng và xử lý vi phạm bằng hình ảnh (phạt nguội); Đảm bảo không ùn tắc giao thông tại các khu vực thu phí.

Đảm bảo điều kiện vận tải công cộng có năng lực đáp ứng tối thiểu 30% nhu cầu đi lại của người dân để người đi xe ô tô cá nhân có thể chuyển đổi phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.

Đặc biệt, đảm bảo các điều kiện về kết cấu hạ tầng giao thông; Hệ thống điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trung chuyển (bãi Park&Ride - P&R) kết nối giữa các loại hình giao thông cá nhân với hệ thống vận tải hành khách công cộng nhằm phục vụ hành khách trung chuyển thuận lợi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều người dân cũng như chuyên gia giao thông có mốt số ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, đại đa số đều cho rằng phương án này là cần thiết, bởi nó không chỉ góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường mà còn khuyến khích và hình thành thói quen sẻ dụng phương tiện công cộng của một bộ phận không nhỏ người dân.

Cần thiết có phương án tối ưu nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong nội thành Hà Nội

Chị Cù Thị Lan Anh, cư dân hiện đang sinh sống tại Khu đô thị Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên) cho hay: Trước đây tôi sinh sống và làm việc trong nội thành Hà Nội, nhịp sống hối hả luôn kéo tôi vào các guồng quay không lối thoát.Vì công việc phải thường xuyên di chuyển, tôi chủ yếu lựa chọn phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh, sắp xếp lại công việc, cùng với việc thay đổi môi trường sống ra khu vực ngoại thành, việc làm đầu tiên của tôi là lựa chọn phương tiện công cộng để đi lại.

“Sau nhiều năm gắn bó với các loại hình phương tiện công cộng, tôi nhận thấy rằng việc di chuyển của mình dễ dàng, thuận tiện hơn trước. Tôi không còn bị căng thẳng mỗi khi chứng kiến cảnh tắc đường hàng giờ đồng hồ. Hàng ngày, tôi tiết kiệm được khá nhiều thời gian lái xe trên đường. Đặc biệt, trong lúc di chuyển, tôi vẫn có thể xử lý công việc hoặc thư giãn, tận hưởng những bài nhạc nhẹ hoặc những bản tin về tình hình giao thông trên địa bàn thành phố. Nhờ vậy, tôi thấy thêm yêu sự lựa chọn của mình”, chị Cù Thị Lan Anh nhấn mạnh.

Có thể thấy rằng, muốn thực hiện phương án thu phí để nhắm tới mục tiêu tác động vào ý thức của người dân, làm thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân, Hà Nội phải làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân. Đồng thời phải ứng dụng khoa học, công nghệ vào việc thu phí, tổ chức phân luồng từ xa đảm bảo không để xảy ra ùn tắc tại các trạm, không gây phiền hà cho người dân.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ, một số đô thị lớn trên thế giới đã áp dụng các biện pháp gia tăng thuế phí lên xe cơ giới cá nhân từ hàng chục năm qua. Chính nhờ những chế tài kinh tế nghiêm khắc đó, lượng xe cá nhân tại nhiều đô thị giảm đáng kể, ùn tắc giao thông cũng được kiềm chế, các chỉ số môi trường ở ngưỡng an toàn, tốt cho sức khỏe người dân.

“Tuy nhiên, người dân cần nhìn nhận rõ vấn đề, Hà Nội mới đang trong bước nghiên cứu, chưa áp dụng biện pháp thu phí như nói trên”, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nói.

Liên quan đến việc nghiên cứu Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chia sẻ, các nội dung phản biện xã hội, những ý kiến đa chiều từ người dân, truyền thông là hết sức cần thiết và luôn được tiếp thu một cách cầu thị nhất.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026

Ngày 21/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-luon-lang-nghe-de-tim-ra-phuong-an-toi-uu-208519.html