Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII

10/03/2022 11:07

Kinhte&Xahoi Sáng 10/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội.

Với chủ đề "Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước", đại hội diễn ra từ ngày 9 đến 11/3/2022 tại Hà Nội.

Các đại biểu dự đại hội

Cùng dự Đại hội có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Đại hội

Cùng dự Đại hội có đại diện các đoàn thể, Bộ, ban, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội và các tổ chức quốc tế.

Đại hội có 1.000 đại biểu chính thức là những phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho các lực lượng phụ nữ, các dân tộc, tôn giáo, các độ tuổi, ngành nghề, lĩnh vực công tác và các vùng miền khác nhau trong cả nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội

Trong thành phần đại biểu có 35 đại biểu khối lực lượng vũ trang nhân dân (3,5%), 54 đại biểu là doanh nhân (5,4%), 83 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương (8,3%), 164 đại biểu đại diện cho 53 dân tộc thiểu số (16,4%), 41 đại biểu tiêu biểu các tôn giáo (4,1%).

Mục tiêu của Đại hội lần này là: Phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động hội nhập, ý thức làm chủ của các tầng lớp phụ nữ; Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tích cực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ.

Theo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa XII, 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo điều kiện của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự phối hợp hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị, các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, sự tiến bộ của phụ nữ đạt nhiều kết quả tích cực.

Phiên khai mạc Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027

Hưởng ứng các phong trào thi đua của đất nước, của MTTQ và phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII phát động, các tầng lớp phụ nữ tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, sự năng động, sáng tạo góp phần tạo nên những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Phụ nữ chiếm 50,2% dân số, 47,4% lực lượng lao động và ngày càng khẳng định tiềm năng, vai trò và vị thế quan trọng trong gia đình, xã hội, đóng góp xứng đáng vào tiến trình phát triển đất nước.

Nhiệm kỳ qua, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” góp phần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và hai khâu đột phá đã được các cấp Hội triển khai sâu rộng, hòa quyện vào các phong trào thi đua của đất nước, của MTTQ Việt Nam phát động.

Các phong trào thi đua của các cấp Hội đã đạt được nhiều thành công, tạo được tiếng vang trong mọi tầng lớp Nhân dân, góp phần không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Anh Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dấu ấn những “bóng hồng” tỏa sáng trong lịch sử Việt Nam

“Phấn son tô điểm sơn hà, làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”, người phụ nữ Việt Nam vô cùng mạnh mẽ nhưng rất đỗi dịu hiền, “Kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang” như Bác Hồ đã khen tặng. Dấu ấn của họ không chỉ làm rạng rỡ lịch sử nước ta mà còn là tấm gương chói lọi để ngày nay chị em phụ nữ tiếp bước truyền thống vẻ vang, tiếp tục khẳng định giá trị bản thân, cống hiến cho gia đình và xã hội.

Tuyển sinh ngành Y không có môn Sinh, chất lượng đào tạo có bị ảnh hưởng?

Việc các trường Đại học Y không xét tuyển ngành Y bằng các tổ hợp có môn Sinh học đang khiến dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều. Về vấn đề này, lãnh đạo trường Đại học Y Dược Thái Bình cho rằng, không ảnh hưởng đến chất lượng đào tào và hướng đến đổi mới giáo dục…

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-du-dai-hoi-dai-bieu-phu-nu-toan-quoc-lan-thu-xiii-191509.html