Sợi chỉ “xanh” xuyên suốt trong phát triển kinh tế
Xác định rõ tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Trong đó, mục tiêu đặt ra là kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường…
Hiện kinh tế xanh cũng là con đường phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu, cũng như cho mỗi quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng hiện nay.
Nền kinh tế xanh vừa mang lại cuộc sống hạnh phúc cho con người, ổn định cho xã hội vừa có vai trò giảm các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Để phát triển mô hình kinh tế xanh cần có sự kết hợp nhịp nhàng giữa doanh nghiệp với chính sách, cơ chế của Đảng và Nhà nước.
Tập đoàn Pandora cam kết đầu tư 100 triệu USD xây dựng cơ sở chế tác trang sức ở Bình Dương theo tiêu chuẩn LEED Gold
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững từ 2021-2030 với mục tiêu khai thác và sử dụng tài nguyên bền vững, thân thiện với môi trường cũng như tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, từ đó thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng sạch cũng như cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp và giảm phát thải khí nhà kính, phát triển xã hội ít carbon.
Lĩnh vực nông, lâm nghiệp cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể. Các chương trình ứng dụng vào thực tế đã mang lại nhiều kết quả tích cực như quy trình thực hành nông nghiệp tốt, quy trình tưới tiêu tiết kiệm nước… Ngoài ra, lối sống xanh và tiêu dùng bền vững cũng được người tiêu dùng áp dụng trong mua sắm và sử dụng sản phẩm.
Theo Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021, với nguồn năng lượng mặt trời dồi dào và năng lượng gió phong phú, Việt Nam là nước có tiềm năng chuyển đổi xanh lớn nhất trong khu vực và sẽ là một trung tâm về năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á.
Hiện Việt Nam cũng được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn trên thế giới và thu hút dòng vốn FDI bền vững, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và ít phát thải khí nhà kính...
Tại Việt Nam, Pandora, một nhà sản xuất trang sức Đan Mạch, cam kết khoản đầu tư 100 triệu USD để xây dựng nhà máy tại Việt Nam, được xây dựng theo tiêu chuẩn LEED Gold - một chứng nhận hàng đầu về công trình xanh, và sử dụng hoàn toàn 100% năng lượng tái tạo.
Công ty LEGO cũng đầu tư xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên (trên thế giới) tại Bình Dương và tạo ra khoảng 4000 việc làm trong vòng 15 năm tới.
Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường
Với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh là lợi thế sẵn có cho Việt Nam tham gia vào các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ để hướng tới xây dựng một “nền kinh tế xanh” phát triển bền vững. Cùng với những thuận lợi, việc phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam là những khó khăn, thách thức.
Con đường tiến tới nền kinh tế xanh cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, trong đó phải kể tới trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp, hệ thống pháp luật đang trong thời kỳ chuyển đổi, sử dụng tài nguyên còn lãng phí, môi trường đang xuống cấp, các ngành “kinh tế nâu” (sử dụng nhiều tài nguyên) đang chiếm tỉ trọng cao.
Nhiều doanh nghiệp, tổ chức và đoàn thể, trong quá trình làm việc, sản xuất chưa thực sự ý thức việc tạo lập một thói quen sử dụng các quy trình sản xuất thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng sạch. Vì thế, nước ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, từ những hành động giản dị của cá nhân đến những việc làm đồng bộ, quy mô lớn mang tầm chiến lược của tổ chức, quốc gia và thế giới.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề
Bên cạnh đó, Việt Nam có trên 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng rất nhiều làng nghề. Các làng nghề đã và mang lại những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Tuy nhiên, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, phân tán thiếu bền vững, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, hệ thống điện ở một số nơi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất; Hệ thống cấp thoát nước còn chưa đồng bộ, mặt bằng sản xuất chật hẹp chủ yếu ngay trong khu vực dân sinh dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng về nguồn nước, không khí và tiếng ồn.
Việc thay đổi tư duy, phương thức sản xuất truyền thống của các làng nghề để hướng tới kinh tế xanh, hạn chế ô nhiễm môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường làng nghề, hướng đến phát triển xanh và bền vững, ngoài sự nỗ lực của Nhà nước, đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, nhất là chính quyền địa phương nơi có làng nghề và người dân các làng nghề trên cả nước.
Phương Thu- TTTĐ