Thúc đẩy tiến độ công trình, dự án trọng điểm

18/03/2022 09:51

Kinhte&Xahoi Bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm nhằm đẩy nhanh phát triển hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách. Qua đó, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong những năm tới.

Thi công mở rộng đường gom Đại lộ Thăng Long, đoạn từ cầu vượt Phú Đô đến đường Lê Trọng Tấn (Vành đai 3,5). Ảnh: Nguyễn Quang

Nhiều dự án chậm tiến độ

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021-2025, thành phố có 39 công trình trọng điểm. Trong đó, dự án chuyển tiếp hoàn thành là 9 dự án với tổng mức đầu tư là 71.066 tỷ đồng; 8 dự án mới dự kiến hoàn thành với tổng mức đầu tư dự kiến là 13.827 tỷ đồng và 22 dự án triển khai thực hiện đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến là 276.087 tỷ đồng.

Bên cạnh một số công trình dự kiến về đích trong năm 2022 như dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội (đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy); dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 2 trên cao… hiện còn một số công trình đang chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Nguyễn Chí Cường, hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 hiện mới đạt khoảng 43% tiến độ, dự kiến đưa vào khai thác quý IV-2022, kéo dài thêm 6 tháng so với tiến độ ban đầu. Nguyên nhân do việc nhận bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật kéo dài; chưa kể dự án thi công trong khu vực có mật độ phương tiện giao thông lớn, mặt bằng chật hẹp. Ngoài ra, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến khó khăn về nguồn cung cấp vật tư, vật liệu, rất khó khăn để huy động nhân công, máy móc phục vụ thi công… Đây cũng là nguyên nhân khiến cầu vòm sắt vượt hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai) chưa đạt tiến độ đề ra vào cuối năm 2021.

Trong khi đó, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong 8 cụm công nghiệp được UBND thành phố yêu cầu khởi công trong tháng 3-2022 nhưng đến nay chưa thể triển khai vì khâu thủ tục bị chậm. Sở đã đề nghị các chủ đầu tư nhanh chóng gửi hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành thẩm định nhanh để có cơ sở giao đất và tiến hành khởi công, nếu không sẽ chậm tiến độ của thành phố giao.

Mặc dù đã chuẩn bị tốt đầu tư một số dự án trọng điểm như khởi công Dự án đường 21B mở rộng từ thị trấn Vân Đình đi xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) trong tháng 3-2022; giải ngân vốn đầu tư công đến nay đạt hơn 42 tỷ đồng, nhưng Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn cho biết, công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Đây là “nút thắt” lớn đối với việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công do các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư bên cạnh dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc huy động nhân công, trang thiết bị phục vụ thi công; giá thép xây dựng và giá xăng dầu tăng mạnh...

Công trường thi công dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3. Ảnh Đỗ Tâm

Tập trung hoàn thành nhanh, gọn các dự án

Để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát kỹ, tập trung hoàn thành nhanh, gọn từng dự án bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình; hoàn thành các công việc còn tồn đọng, thực hiện nghiệm thu, bàn giao, hoàn thành hồ sơ, thủ tục thanh, quyết toán dự án theo quy định; đồng thời khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để khởi công các dự án mới.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2022, cũng như cả giai đoạn 2021-2025, UBND quận đã cho rà soát lại danh mục các công trình dự án theo kế hoạch đã được HĐND quận phê chuẩn. Trong đó, quận đang thực hiện các thủ tục đầu tư với 18 dự án dự kiến khởi công năm 2022.

Đối với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, việc khẩn trương hoàn thiện các công trình phục vụ SEA Games 31 và Para Games 11 diễn ra trong năm 2022 đang được gấp rút triển khai. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh thông tin, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các quận, huyện, thị xã hoàn thành và bàn giao các công trình tại 20 địa điểm tổ chức SEA Games 31.

Còn Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình Vũ Quang Ánh cho biết, quận đang đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu dự án cải tạo Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa để kịp thời bàn giao phục vụ SEA Games 31 và Para Games 11.

Nhấn mạnh thành phố đang tập trung vào thực hiện các dự án nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 5 dự án nhà ở xã hội. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng nhận định, hiện nay là thời gian then chốt để triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Do đó, trong quý II, III-2022, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường phải triển khai khâu duyệt quy hoạch chi tiết và thẩm định bồi thường, tái định cư, tạm cư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Trên thực tế, việc thực hiện các dự án trọng điểm có ý nghĩa rất quan trọng với phát triển của Thủ đô. Do đó, với sự vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ của các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư, có thể tin tưởng tiến độ các dự án trọng điểm các cấp của thành phố sẽ bảo đảm kế hoạch đã đề ra, đi vào vận hành hiệu quả.

 Mai Hữu - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh: Phát huy vai trò người đứng đầu

Thời gian qua, toàn thành phố Hà Nội củng cố được 12 tổ chức cơ sở Đảng trong diện Ban Chỉ đạo thành phố theo dõi và hiện có 42 tổ chức cơ sở Đảng cần củng cố thuộc 17 đơn vị trực thuộc Thành ủy. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, giải quyết tốt các vấn đề của địa phương, đơn vị thì việc phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu rất quan trọng.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1027249/thuc-day-tien-do-cong-trinh-du-an-trong-diem