Ảnh minh họa.
Từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải đã thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp (Quyết định 1253/QĐ-TTg, năm 1999 và Quyết định số 1489/QĐ-TTg, năm 2001) và đạt được nhiều dấu ấn. Năm 2016, sau khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Quyết định số 1642/QĐ-TTg nhằm “theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương”. Nội dung rộng lớn hơn.
Hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng là một dấu ấn tích cực trong nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021, tạo sức lan toả mạnh mẽ trong toàn bộ hệ thống hành chính Nhà nước; góp phần thúc đẩy các bộ, cơ quan, địa phương chuyển động mạnh mẽ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người dân và doanh nghiệp.
Sau gần 5 năm hoạt động, Tổ công tác đã thực hiện 104 cuộc kiểm tra đối với 22 bộ, cơ quan ngang bộ; 2 cơ quan thuộc Chính phủ; 44 địa phương; 12 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước. Phải nói rằng, Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nổi lên như một đội đặc nhiệm đầy nhiệt huyết, hành động, hiệu quả.
Thành công lớn nhất là, qua các cuộc kiểm tra chuyên đề đã kịp thời phát hiện nhiều bất cập, chồng chéo về cơ chế, chính sách; cắt giảm những rào cản liên quan đến thể chế, chính sách, dễ tạo kẽ hở để cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu, tiêu cực; những khoảng trống pháp lý cần khẩn trương ban hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước. Giảm “rừng thủ tục” gây phiền hà cho doanh nghiệp. Đất nước chuyển động, thu được kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực.
Kết quả đầy dấu ấn, tuy nhiên, chưa thể hài lòng. Chính vì thế, ngày 12/2/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có Quyết định số 236/QĐ-TTg về việc “Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật”.
Tổ có nhiệm vụ tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ; rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật; chủ động tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo nhóm văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; kịp thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc thành lập Tổ công tác là để khắc phục tình trạng “bắn chỉ thiên”, “trên bảo dưới không nghe”, “phép vua thua lệ làng”; thắt chặt kỷ cương phép nước nhằm giải quyết ách tắc, để cởi trói cho sản xuất, không để các cơ quan chậm trễ, không bỏ quên, bỏ sót việc, làm cản trở sự phát triển. Thực tiễn đang đòi hỏi “cởi trói” để Việt Nam hùng cường.
Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus