Thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng/lít xăng được dùng thế nào?

28/02/2020 15:36

Kinhte&Xahoi Theo Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường được tổng hợp vào cân đối ngân sách nhà nước theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.

Cử tri Đà nẵng cho rằng mức thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu là rất lớn (4.000 đồng/lít)

Vừa qua, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của cử tri TP Đà Nẵng do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến, trong đó cử tri thắc mắc hiện nay thuế bảo vệ môi trường được thu qua xăng, dầu được sử dụng như thế nào.

Cho rằng mức thuế này rất lớn (4.000 đồng/lít xăng), cử tri TP Đà Nẵng đề nghị công khai cho nhân dân biết việc quản lý, sử dụng nguồn thu này.

Trả lời kiến nghị của cử tri Đà Nẵng, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay xăng dầu thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2012.

Tại Luật Thuế Bảo vệ môi trường quy định khung mức thuế bảo vệ môi trường và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể theo các nguyên tắc đã được xác định tại Luật. Mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành đối với xăng là 4.000 đồng/lít xăng.

Theo Bộ Tài chính, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định: Thu ngân sách nhà nước bao gồm toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí.
 
Nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước là: các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.

Trường hợp có khoản thu cần gắn với nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định của pháp luật thì được bố trí tương ứng từ các khoản thu này trong dự toán chi ngân sách để thực hiện. Việc ban hành chính sách thu ngân sách phải bảo đảm nguyên tắc cân đối ngân sách trong trung hạn, dài hạn và thực hiện các cam kết về hội nhập quốc tế.

"Như vậy, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, các khoản thu từ thuế, phí và các khoản thu khác trong đó có thuế bảo vệ môi trường được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước.

Đây không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp. Việc quản lý, sử dụng khoản thu này được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và được Quốc hội phê duyệt hàng năm", văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

“Ngừng chạy tàu" - Có phải vì miếng bánh chi phí quản lý?

“Ngân sách đã được Bộ GTVT phân bổ dự toán, giao Cục Đường sắt xử lý. Cục đã mời lãnh đạo VNR 4 lần lên để bàn ký hợp đồng giải ngân vốn, song lãnh đạo VNR không lên. Lỗi ở đây là do doanh nghiệp (tức VNR) chứ không phải của Nhà nước” ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định trước thông tin đường sắt dự định “ngừng chạy tàu” do không có kinh phí trả lương cho công nhân.

Theo Dân Việt/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/thue-bao-ve-moi-truong-4000-dong-lit-xang-duoc-dung-the-nao-d118277.html