Tiêm mũi 3, mũi 4 vắc xin sẽ duy trì hiệu lực bảo vệ cho người đã mắc COVID-19 trước nguy cơ tái nhiễm
Kinhte&Xahoi
Một số người cho rằng, đã tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1, mũi 2, mũi 3 và cộng thêm việc đã bị nhiễm COVID-19 thời gian vừa qua nên không cần tiêm vắc xin mũi thứ 4. Tuy nhiên, theo PGS.TS.BS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đây là suy nghĩ không đúng.
Nhiều trường hợp đã từng mắc COVID-19 vẫn tái nhiễm nhiều lần
PGS.TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tại Việt Nam, thời gian qua hệ thống quản lý điều trị COVID-19 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh-Bộ Y tế ghi nhận trên 40 ngàn trường hợp tử vong do COVID-19 trong đó phần lớn là chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19.
PGS.TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương
Thậm chí, cũng có một phần nhỏ trong số người tử vong này đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vắc xin nhưng chưa tiêm mũi thứ 3. Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 cho những người đã hoàn thành những mũi tiêm cơ bản.
Về lý thuyết thì sau khi khỏi bệnh COVID-19, cơ thể sẽ có kháng thể để chống lại virus gây bệnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải ai cũng có được kháng thể đủ tốt bởi việc nhiễm virus là khác nhau tuỳ vào chủng, tình huống nhiễm, mức độ nhiễm và đặc điểm của cơ thể.
Có khá nhiều trường hợp nhiễm và tái nhiễm nhiều lần do kháng thể tạo ra không đủ tốt hoặc nhiễm lần đầu chỉ ở dạng thoáng qua sau đó lần nhiễm lại mới gặp tình trạng nặng.
Ngoài ra, các bằng chứng khoa học cho thấy khi đã nhiễm tự nhiên mà được tiêm vắc xin thì kháng thể bảo vệ được tạo ra sẽ cao hơn rất nhiều và góp phần hạn chế tái nhiễm cũng như hạn chế các tình trạng hậu COVID. Đây chính là lý do dù đã khỏi bệnh nhưng người bệnh vẫn được khuyên tiếp tục tiêm chủng để hoàn thành phác đồ tiêm.
Việc tiêm mũi 3, mũi 4 vắc xin COVID-19 sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm virus SARS-COV-2 bởi những người đã tiêm vắc xin liều cơ bản và bị mắc COVID-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm tức là khoảng 3-4 tháng sau tiêm.
Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy nếu được tiêm liều nhắc, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm virus lên đến 81%. Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy: những người từng mắc COVID-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%.
Trong nước, tính tới ngày 4/7, trên toàn quốc đã có 45.533.296 người tiêm mũi nhắc thứ nhất (mũi 3) an toàn (đạt 67,9%), có 4.712.466 người được tiêm mũi nhắc thứ 2 (đạt 31,8%).
Việc tiêm các vắc xin COVID-19 mũi nhắc lại là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.
Sau khi tiêm mũi 2 vắc xin COVID-19 thì bao lâu phải tiêm vắc xin mũi 3 và mũi 4?
Theo PGS.TS Phạm Quang Thái, để tránh nhầm lẫn khi nhắc đến tiêm mũi nhắc lại, chúng ta tách ra mũi cơ bản (1, 2 hay 3 mũi tuỳ từng loại vắc xin và tuỳ đối tượng tiêm) và mũi nhắc lại. Tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3 được hiểu là mũi tiêm nhắc lại lần thứ 1. Tiêm vắc xin mũi 4 là mũi tiêm nhắc lại lần thứ 2 cho thống nhất cách gọi.
Việc tiêm mũi nhắc lại thứ 1 và 2 vắc xin COVID-19 (tương đương lần tiêm thứ 3 và 4 hay 4 và 5 tuỳ đối tượng) giúp duy trì miễn dịch ở mức độ cao cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản.
Ảnh minh hoạ
Mũi nhắc 1 và nhắc 2 có thể sử dụng loại vắc xin tiêm cùng loại với mũi tiêm liều cơ bản hoặc dùng vắc xin mRNA hoặc vắc xin Astrazeneca nếu tiêm phối hợp.
Lưu ý khoảng cách tiêm mũi nhắc lần 1 này cách ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản và mũi nhắc lần 2 cách 4 tháng sau mũi nhắc lần 1. Riêng mũi nhắc lần 2 cần lưu ý cách thời gian xác định bị COVID-19 tối thiểu 3 tháng, điều này không đặt ra với mũi nhắc lần 1.
Liều lượng tiêm đối với vắc xin Moderna tiêm liều 0,25ml (1/2 so với liều cơ bản), các vắc xin khác giữ nguyên liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Nếu sắp tới ngày tiêm vắc xin theo lịch mà bị ốm hoặc bị COVID-19 thì nên tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định. Lưu ý với mũi nhắc lần 2 thì phải chờ đủ 3 tháng sau khỏi mới cần đi tiêm.
PGS.TS Phạm Quang Thái cho biết, với tình hình dịch COVID-19 hiện nay ở Việt Nam và việc triển khai tiêm mũi 3 đạt tỷ lệ trên 65% ở người từ 18 tuổi trở lên, trước nguy cơ làn sóng dịch mới, rất cần thiết tiêm nhắc lần 2 cho những đối tượng nguy cơ, người già và người có bệnh lý nền để có thể giảm nguy cơ tăng nặng, nhập viện và hạn chế đứt gãy các chuỗi sản xuất.
Hiện có nhiều người đang nhầm lẫn giữa tiêm vắc xin COVID-19 mũi bổ sung và mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1). Mũi vắc xin bổ sung dành cho đối tượng suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng các vắc xin mà bằng chứng cho thấy cần phải tiêm thêm mới đạt miễn dịch cơ bản (ví dụ vắc xin Vero Cell, Sputnik V).
Riêng với tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) sẽ đặc biệt hữu ích đối với những người từ 50 tuổi trở lên; Người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.
Phương Thu - TTTĐ