Đó là tiền đề bước đầu cần có cho một hệ thống giao thông vận tải thực sự hiện đại, văn minh, thân thiện, hiệu quả mà một đô thị lớn như Hà Nội không thể thiếu được.
Hà Nội sẽ phát triển hệ thống giao thông thông minh làm tiền đề xây dựng thành phố thông minh. Ảnh: Anh Tuấn
Kết nối và lan tỏa
Những năm gần đây, bức tranh giao thông Thủ đô ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, đồng bộ. Đặc biệt, kể từ khi mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, Hà Nội với quy mô, vị thế và điều kiện mới đã phát triển nhanh, toàn diện và bền vững cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Các nguồn lực, thế mạnh được khai thác hiệu quả, trong đó nổi bật nhất phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ về giao thông vận tải.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của Thủ đô được định hình theo hệ thống đường vành đai (7 tuyến vành đai) và hướng tâm (19 tuyến hướng tâm, trong đó có 7 tuyến cao tốc hướng tâm, 8 tuyến quốc lộ hướng tâm, 4 tuyến kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh). Đối với các tuyến cao tốc hướng tâm (kết nối liên vùng), đến nay, 7/7 tuyến đều đã hình thành, tương ứng với 111,32km đã được đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với 8 tuyến quốc lộ hướng tâm (kết nối liên vùng), có 124,28km đã và đang được đầu tư theo quy hoạch; 85,78km đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư… 7 tuyến đường vành đai đã và đang được đầu tư (hoàn thành 132,26/285,46km). Đặc biệt là đường Vành đai 4 với vai trò chiến lược đối với toàn bộ Vùng Thủ đô đã được khởi công vào tháng 6-2023. Cùng với đó, 9/18 cầu vượt sông Hồng và 4/8 cầu vượt sông Đuống đã hình thành... Các dự án giao thông khung đã góp phần kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và các địa phương nơi dự án đi qua. Qua khảo sát, sản lượng vận tải cả hành khách và hàng hóa đều tăng lên, thời gian di chuyển được rút ngắn, góp phần giảm chi phí. Hiện nay, chi phí logistics chiếm khoảng 20% trong tổng GDP. Do vậy, cước vận tải giảm xuống góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa, góp phần cải thiện môi trường đầu tư cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, vừa qua, Sở đã phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Đồ án quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở đó đã đề xuất điều chỉnh, bổ sung 22 tuyến đường đối ngoại (trên cơ sở kéo dài một số tuyến hiện có kết hợp bổ sung một số tuyến mới) để tăng cường kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh lân cận. Nội dung một số đề xuất đáng chú ý gồm kéo dài đường Lê Văn Lương nối với tuyến tránh quốc lộ 6 để kết nối tới tỉnh Hòa Bình; bổ sung tuyến trục dọc đê Tả Hồng đến cầu Vân Phúc hoặc cầu Vĩnh Thịnh để kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc…
Cùng với đường, Hà Nội cũng đề xuất bổ sung 4 cầu qua sông Hồng, trong đó có 2 cầu kết nối với đô thị Bắc sông Hồng và 2 cầu kết nối với tỉnh Hưng Yên; bổ sung 1 cầu qua sông Đà kết nối với tỉnh Phú Thọ…
Từng bước tạo lập hệ thống giao thông thông minh
Thời gian qua, ngành Giao thông vận tải Thủ đô đã nỗ lực triển khai đề án giao thông thông minh và đã có được những kết quả bước đầu. Có thể kể đến việc Trung tâm Quản lý giao công cộng thành phố Hà Nội đã ra mắt ứng dụng dùng chung phục vụ hành khách sử dụng phương tiện công cộng “Busmap Hà Nội”. Ứng dụng này có các tính năng như tìm đường thông minh, giúp hành khách tìm lộ trình di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng trong thành phố…
Tiếp đó, ngày 28-11-2023, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã khai trương thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức cho giao thông công cộng. Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết, việc triển khai vé điện tử liên thông đa phương thức sẽ giúp từng bước hình thành thói quen sử dụng hệ thống thanh toán tự động cho hành khách, tiến tới hạn chế sử dụng tiền mặt. Thông qua đó, cơ quan quản lý nhà nước có được cơ sở dữ liệu quan trọng để hoạch định chính sách, quản lý, điều hành hệ thống xe buýt trên địa bàn thành phố hiệu quả và nhanh chóng.
Trước đó, Hà Nội cũng đã thí điểm áp dụng phần mềm trong quản lý duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn; lắp đặt hệ thống camera hỗ trợ xử lý vi phạm tại Bến xe Giáp Bát; lắp đặt camera trên các tuyến đường, nút giao thông trọng điểm để theo dõi tình hình giao thông… Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu tổng thể nào về hiện trạng và định hướng ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành giao thông mang tính đồng bộ, lâu dài. Các dự án đã và đang được triển khai vẫn thể hiện sự rời rạc, thiếu kết nối, thiếu đồng bộ, do vậy chưa thu được hiệu quả cần thiết và chưa đáp ứng tốt yêu cầu quản lý, điều hành giao thông tại Thủ đô.
Nhằm đẩy nhanh quá trình triển khai đề án giao thông thông minh, các cơ quan chức năng đang chủ động, tích cực nghiên cứu, xây dựng và tham mưu cho UBND thành phố ban hành khung kiến trúc, tiêu chuẩn hệ thống giao thông thông minh, bảo đảm khả năng tương thích của các hệ thống được đầu tư từ các dự án khác nhau (có kế thừa các dự án đã triển khai); xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật các thiết bị phục vụ hệ thống giao thông thông minh. Giai đoạn từ nay đến năm 2030, mục tiêu đặt ra là hình thành Trung tâm Điều hành giao thông thông minh tích hợp của thành phố Hà Nội. Trung tâm này sẽ kết nối, chia sẻ dữ liệu thường xuyên và liên tục đến các cơ quan để giám sát tình hình giao thông; điều khiển giao thông; cung cấp thông tin về giao thông; xử lý các hành vi vi phạm cũng như các sự cố khẩn cấp, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ...
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, phát triển hệ thống giao thông thông minh và bền vững là xu hướng của tất cả các đô thị trên thế giới. Việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh cũng là một bước quan trọng để xây dựng thành phố thông minh.
Tuấn Lương - Hà Nội mới