“Tiền nhiều để làm gì?”

04/09/2019 11:13

Kinhte&Xahoi Câu nói này của một vị doanh nhân nổi tiếng đã bất ngờ “gây sốt” trong giới trẻ suốt thời gian qua khi ông buộc phải ra toà để giải quyết vụ ly hôn với khối tài sản tranh chấp lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Câu nói này của một vị doanh nhân nổi tiếng đã bất ngờ “gây sốt” trong giới trẻ suốt thời gian qua khi ông buộc phải ra toà để giải quyết vụ ly hôn với khối tài sản tranh chấp lên tới hàng nghìn tỷ đồng.



Nếu đơn thuần chỉ xét trên phương diện kinh tế học, tiền đơn giản là một phương tiện thanh toán để trao đổi lấy hàng hoá, dịch vụ... Tiền để mua thức ăn khi đói, mua thức uống khi khát, mua áo quần để mặc, mua nhà để ở, mua xe để đi. Tiền để học hành, tiền để chữa bệnh, để đi du lịch, để khởi nghiệp, để đầu tư…

Và nếu đơn giản chỉ như vậy thì đã chẳng có gì mà nói. Nhưng bạn cũng thấy đấy, tiền chưa bao giờ chỉ là những tờ giấy hay là những đồng xu, những con số thể hiện trên tài khoản ngân hàng. Quan niệm về tiền phức tạp vô cùng, nên tiền là thứ rất quen thuộc và gần gũi, nhưng lại cũng là thứ ẩn chứa không ít sự thật trần trụi đến rùng mình.

Mới ít hôm trước thôi, cả nước chấn động vì một vụ thảm sát, mà nguyên nhân chỉ là 0,5m đất ranh giới phát sinh tranh chấp khi chuẩn bị xây nhà. Vì 0,5 mét đất mà một người anh sẵn sàng xuống tay tàn độc tước đoạt mạng sống gia đình em trai mình.

0,5 mét đất ấy có giá bao nhiêu tiền mà khiến tình thân máu mủ ruột rà cũng trở nên “cạn tàu ráo máng”? 0,5m đất ấy giá bao nhiêu để khiến một con người không tiền án, tiền sự phút chốc trở thành một kẻ máu lạnh, giết người không biết ghê tay? Anh ta tự tước bỏ phần “người” để giữ lại phần “con” thú tính chỉ vì 0,5m đất thì có đáng không?

Thật khó để khẳng định tất cả những điều khủng khiếp ấy đều vì tiền, vì vật chất, nhưng rõ ràng đó là chất xúc tác cho thấy rõ bản chất côn đồ, hung hãn của kẻ giết người.

Tiền chỉ là tiền, là phương tiện để đạt được những mục đích nhất định nào đó trong cuộc sống. Không có tiền thì “nghèo”, có nhiều tiền thì “giàu”. Việc không có nhiều tiền khiến cuộc sống trở nên bất tiện, khó khăn; còn khi dư dả tiền nong thì việc đáp ứng các nhu cầu sống trở nên dễ dàng và thoải mái. Kiếm tiền để mưu cầu hạnh phúc là việc chính đáng, là điều mà tất cả mọi con người sinh ra đều trải qua.

Nhưng, không ai đánh giá “người tốt” - “kẻ xấu” thông qua độ dày - mỏng của ví tiền. Nhân cách một người không thể hiện qua việc có tiền nhiều hay tiền ít, mà chính là qua thái độ và cách hành xử của họ trước đồng tiền.

Tiếc thay, có không ít người tiền giắt đầy người mà cư xử lại “kém sang” nên giàu sang vẫn là khái niệm. Trên người họ có thể là túi xách, áo quần, giày dép hàng hiệu nhưng những lời nói ra lại vô văn hoá, ngay cả ở chốn công cộng như sân bay cũng văng tục chửi bậy khiến ai nghe đều phải nóng mặt, đỏ tai vì xấu hổ.

Lại có không ít người chẳng thiếu tiền nhưng vẫn trở thành nô lệ của đồng tiền. Với khả năng của họ, họ thừa tài chính để đáp ứng những nhu cầu cần thiết của cá nhân, của gia đình nhưng họ vẫn muốn vơ vét nhiều tiền, thật nhiều tiền hơn nữa, bất chấp pháp luật, bất chấp đạo lý và bất chấp cả thể diện, danh dự bản thân.

Đúng là tiền nhiều sẽ giúp con người ta làm được rất nhiều điều, cho bản thân và có thể là cho xã hội. Giấc mộng giàu sang là giấc mộng muôn đời. Song có đáng không khi đánh đổi tính mạng, đạp lên luật pháp vì một số tiền nào đó?

Đến lúc tình thân tan nát, sức khoẻ, tính mạng, danh dự không giữ nổi… sau tất cả, tiền nhiều rốt cuộc cũng để làm gì!?

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nỗ lực biến màu đen của đá thành màu xanh của rừng

Cao nguyên đá Đồng Văn vốn được biết đến với những dãy núi trùng điệp bốn bề là một màu đá xám xịt. Nhưng nhờ nỗ lực của người dân và các ngành chức năng, dải màu đen ấy đang dần được đổi thành màu xanh của rừng, của thảm thực vật hoang dại.

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus