Tối ngày 22/9, Công an thành phố Hà Nội thông tin kết quả điều tra ban đầu vụ án bắt cóc trẻ em tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Theo đó, sau khi sát hại cháu bé, đối tượng Trang tiếp tục đòi tiền chuộc, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng. Do lo sợ, nên gia đình cháu T đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Trang với tổng số tiền 550 triệu đồng.
Trên đường lẩn trốn, biết các lực lượng công an đang ráo riết truy lùng, truy bắt, không thể trốn thoát và sẽ phải đương đầu với mức án cao nhất nên đối tượng đã tự sát.
Nữ nghi phạm đã tự sát.
Tâm lý của kẻ phạm tội
Dưới góc độ chuyên gia, Tiến sĩ tội phạm học, Thượng tá Đào Trung Hiếu nhận định, nữ nghi can do túng quẫn hoặc khó khăn nào đó nên cần tiền để giải quyết công việc như trả nợ, mua ma túy, chơi cờ bạc… Quyết định bắt cóc cháu bé đòi tiền chuộc có thể là bột phát, nhất thời manh động, vì nếu có dự mưu từ trước, đối tượng đã chuẩn bị sẵn phương án giam nhốt nạn nhân.
Chính vì không có sự chuẩn bị từ trước, nên khi đưa cháu bé đi trên đường, đối tượng có một quỹ thời gian đủ dài để đánh giá, tự ý thức về việc làm của mình. Đối tượng có đủ khả năng nhận thức được về hành vi của mình đã phạm trọng tội, nếu bị phát hiện, bắt giữ sẽ phải gánh chịu hình phạt nghiêm khắc. Bởi vậy, việc đưa cháu bé trong tình trạng khóc lóc là quá nguy hiểm vì gây sự chú ý của người đi đường.
Hiện trường nơi cháu bé bị tử vong.
Bên cạnh đó, đối tượng cũng đánh giá được phản ứng của gia đình bị mất con là sẽ trình báo Công an. Cảm giác lo sợ, bất an, không dám đối đầu với sự thật đã kích hoạt bản năng tự vệ của động vật trong ý thức, đó là làm tất cả những gì có thể để triệt tiêu khả năng bị bắt. Trong đó có một cách dễ nhất là thoát ly “vật chứng”, ở đây là cháu bé bị bắt cóc để xóa bỏ sự dính líu.
"Đối tượng không chọn cách đưa cháu bé đến một nơi an toàn rồi để đấy. Nhưng lại hành xử man rợ là dìm chết cháu bé vô tội ấy. Điều này có thể xuất phát từ tâm lý hoảng loạn, không còn minh mẫn, tỉnh táo để kiểm soát hành vi của hung thủ, không nghĩ ra được cách xử sự tốt hơn", Tiến sĩ tội phạm học, Thượng tá Đào Trung Hiếu cho hay.
Cũng theo Tiến sĩ tội phạm học, Thượng tá Đào Trung Hiếu: "Bước trượt tâm lý có thể nhìn thấy rất rõ, đó là đã lỡ làm cái này thì phải làm cái kia. Giống tâm lý chung của những kẻ giết người, diệt khẩu trong các thảm án đã xảy ra tại Việt Nam thời gian qua. Việc giết hại cháu bé còn có thể chứa đựng suy nghĩ nếu để cháu sống thì hành vi phạm tội sẽ bị tố giác. Sau khi sát hại cháu bé, mong muốn chiếm đoạt tiền vẫn còn trong tâm lý, nên đối tượng đã gọi điện cho người thân của nạn nhân đòi tiền chuộc".
Sự việc là vô cùng dã man
Theo Tiến sĩ tội phạm học, Thượng tá Đào Trung Hiếu, vụ này cùng tính chất, diễn biến với vụ tên Nguyễn Trọng Thọ (SN 1980, trú tại xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã bắt cóc, sát hại cháu Trần Thành Công (SN 1996, học sinh lớp 7A, trường THCS Yên Viên) vào ngày 9/1/2008.
Tiến sĩ tội phạm học, Thượng tá Đào Trung Hiếu
Sau khi giết cháu Công bằng cách vùi xác xuống sông Đuống, Thọ đã lấy điện thoại của nạn nhân gọi cho bố cháu đòi số tiền chuộc là 350 triệu đồng. Với hi vọng bố mẹ nạn nhân vì thương con, sẽ chấp nhận yêu sách của mình nên các đối tượng tiếp tục lừa họ, thể hiện tận cùng của sự man rợ, vô nhân tính, không có khả năng cải tạo.
Hiện nay đang lan truyền lời đồn đại rằng, vì cơ quan chức năng khóa tài khoản của đối tượng, do hung thủ không chi tiêu được số tiền 350 triệu gia đình nạn nhân đã chuyển dẫn đến sự tức tối mà ra tay sát hại nạn nhân. Đây là một sự bịa đặt ác ý, với mục tiêu hướng lái dư luận vào chỗ phê phán sai lầm trong thao tác nghiệp vụ của lực lượng phá án.
"Trên thực tế sau khi giết nạn nhân hung thủ mới gọi điện đòi tiền chuộc. Căn cứ thời điểm nhân chứng nhìn thấy hung thủ ướt quần áo và thời điểm thị gọi điện tống tiền gia đình nạn nhân, có thể xác định tình tiết này. Hơn nữa, tôi tin lực lượng phá án sẽ không làm gì để kích động đối tượng vì mục tiêu hàng đầu là giải cứu nạn nhân an toàn" - TS Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.
TS Đào Trung Hiếu đưa ra những khuyến cáo!
Nói với trẻ về nạn bắt cóc trẻ em và hậu quả của nó một cách dễ hiểu nhất. Tạo cho trẻ ấn tượng rằng cần phải cảnh giác trước những gì không bình thường xảy ra với mình, cẩn thận trong sinh hoạt, đi lại, giao tiếp.
Dạy cho trẻ biết “những người lạ có thể tin tưởng”, gồm: thầy cô giáo, chú công an, chú bộ đội, bác bảo vệ cơ quan, nhà trường, nhân viên cửa hàng (đặc điểm chung là họ thường mặc quần áo đồng phục - cần giới thiệu với trẻ về những loại đồng phục phổ biến), hoặc những bà mẹ có mang theo con nhỏ trên đường.
Dạy trẻ nhớ thuộc lòng họ tên, số máy điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ, nhưng phải giữ bí mật những thông tin này, chỉ nói với những người “những người lạ có thể tin tưởng”.
Dạy trẻ không được nói chuyện, hay đi theo người lạ. Dạy trẻ tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì mà người lạ đưa cho, đề phòng những món quà, bánh, kẹo, nước ngọt… đó có tẩm thuốc mê, trẻ ngửi hoặc ăn vào sẽ bị trúng độc. Cách từ chối có thể là: “Bố mẹ cháu không cho phép nhận”.
Dạy trẻ kỹ năng ứng xử khi bị người lạ kéo, dắt, lôi đi. Cần huấn luyện cho bé biết kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho những người xung quanh, có thể hô: “bắt cóc trẻ con, cứu, cứu cháu với”. Nên cho trẻ tham gia tập luyện võ thuật, vừa rèn luyện sức khỏe, nhanh nhẹn, có đủ tự tin để bình tĩnh ứng phó trong các tình huống nguy hiểm.
Khi bị bắt kéo đi mà việc la hét không có kết quả, trẻ hãy giả bộ ngoan ngoãn, bất ngờ xỉa tay vào mắt, đá vào hạ bộ, vào cẳng chân của tên bắt cóc rồi bỏ chạy, kêu cứu. Nếu thấy có người, cần hét thật to để gây sự chú ý, như: “bắt cóc trẻ con, cứu cháu với” hoặc "các người không phải là bố mẹ tôi".
Khi trẻ vào độ tuổi tiểu học, THCS, bắt đầu tham gia các hoạt động của trường lớp, cộng đồng, như đi dã ngoại, vệ sinh môi trường khu dân cư, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử…, cần dạy trẻ biết tuân theo các quy định của người phụ trách. Tuyệt đối không tách đoàn, chạy lăng xăng dễ bị lạc, bị bỏ rơi dẫn đến nguy cơ bị bắt cóc.
Những kẻ bắt cóc thường thích bắt trẻ khi trẻ đi 1 mình và hiếm khi hành động khi trẻ đi với 2-3 người bạn. Dạy trẻ phải ghi chép số điện thoại của bạn bè, người phụ trách, cảnh sát phản ứng nhanh (113), để khi cần có thể liên lạc được.
Triển khai các biện pháp phòng ngừa là bước đi chủ động bảo vệ trẻ em khỏi nguồn nguy hiểm, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ trẻ bị bắt cóc, đánh tráo. Tuy nhiên nếu trẻ vẫn bị sa vào tay bọn tội phạm, thì chỉ còn cách ứng xử khôn ngoan mới đảm bảo đưa bé trở lại gia đình trong sự an toàn. |
Duy Khương - Pháp luật Plus