Hiện tại, thành phố Hà Nội đã áp dụng Chỉ thị 22/CT-UBND, theo đó các biện pháp phòng dịch đã được nới lỏng. Nhiều dịch vụ đã mở lại, người dân cũng ra đường nhiều hơn; Nhiều tuyến phố đông đúc sau những ngày giãn cách xã hội.
Theo khuyến cáo của lực lượng chức năng, người dân không nên lơ là chủ quan vì mỗi ngày Hà Nội vẫn có nhiều ca mắc mới Covid-19.
Người dân khai báo y tế bằng mã QR tại chốt kiểm soát dịch cửa ngõ TP
Ghi nhận trong ngày đầu thực hiện theo chỉ thị mới, 22 chốt phòng dịch ở cửa ngõ Thủ đô và 12 tổ kiểm soát cơ động ở quận nội thành vẫn hoạt động bình thường. Hằng ngày, lực lượng này kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện để nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu phạm pháp hình sự và vi phạm quy định phòng chống dịch nhằm kịp thời xử lý.
Kiểm soát phương tiện tại chốt cửa ngõ Thủ đô sáng 21/9
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường, Đội Cảnh sát giao thông số 8 (Phòng Cảnh sát giao thông) - Chỉ huy chốt Cầu Giẽ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) giải thích rõ hơn về quy định ra - vào Hà Nội từ ngày 21/9: Hiện chốt kiểm soát theo quy định, người ra vào thành phố phải có giấy đi đường, giấy tờ tùy thân và giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính.
Giấy đi đường ở đây được hiểu là giấy xác nhận công việc, lý do để ra - vào Hà Nội. Trường hợp ra, vào thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch bệnh, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia thì phải có các loại giấy tờ chứng minh việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Đối với cán bộ, nhân viên, người lao động có địa chỉ thường trú tại Hà Nội nhưng làm việc trên địa bàn tỉnh, thành phố khác (ví dụ Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang...) thì khi qua chốt kiểm soát cả chiều đi, chiều về đều phải xuất trình giấy xác nhận là của đơn vị đang công tác (nơi làm việc), đồng thời phải có giấy đi đường của xã/phường tại Hà Nội (nơi cư trú) ghi rõ lộ trình từ nơi cư trú tới nơi làm việc. Những trường hợp này chỉ cần test nhanh là qua chốt”.
Lực lượng chức năng kiểm soát giấy tờ của người và phương tiện khi vào TP
Trong nội đô, cùng với việc duy trì 12 tổ công tác đặc biệt, Sở Chỉ huy phòng chống dịch các cấp vẫn được duy trì để kịp thời thông tin và thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình thông tin, để thực hiện nghiêm túc việc tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, quận mở rộng các điểm bán hàng an toàn, lưu động gắn với hỗ trợ, chia sẻ giúp đỡ người dân khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Quận cũng yêu cầu hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích và các doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ các nguồn hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết và phân bố đều trên địa bàn để tránh tập trung đông người.
Anh Nguyễn Mạnh Quân, chủ cửa hàng bánh bao nổi tiếng trên phố Quán Thánh cho biết, gia đình chưa vội mở cửa hàng dù rất nhiều khách hàng gọi điện cũng như tìm đến mua mang về. Mục đích là bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của gia đình, cộng đồng, dù được “nới lỏng” nhưng không chủ quan mà vẫn nghiêm chỉnh chấp hành các khuyến cáo của Bộ Y tế và biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc.
Trên địa bàn quận Đống Đa, khu vực ngõ chợ Khâm Thiên thuộc địa bàn ba phường Khâm Thiên, Trung Phụng, Phương Liên với mật độ dân cư đông, cả ngõ là khu chợ lớn đã được phân vùng đặt hàng rào kiểm soát tại khu vực giáp ranh với tinh thần cảnh giác cao nhất. Các cửa hàng trong ngõ chợ đều bán hàng qua dây bảo vệ, người bán người mua giữ khoảng cách. Tại các siêu thị lớn trên đường Hoàng Tích Trí, Trung Tự, Thái Hà… đều có mã quét QR để người dân tiện khai báo y tế.
Chị Nguyễn Thị Hà, tiểu thương trong ngõ chợ Khâm Thiên cho biết, được nới lỏng bán buôn sau cả tháng dài ở nhà nên chúng tôi càng hiểu không mất cảnh giác với dịch bệnh, tuân thủ các quy định phòng chống dịch.
Cốm làng Vòng (nguồn IT)
Theo bà Đỗ Thị Tuyên, Giám đốc Hợp tác xã Cổ phần Cốm làng Vòng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, phường vẫn có gần 10 lò cốm đang hoạt động với trên 70 người cùng tham gia giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm. Thời điểm này đang chính vụ cốm nên việc được bán hàng mang về đã tạo động lực để người dân làng nghề ổn định cuộc sống.
Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu, ông Tống Xuân Duy cho biết, từ 12h trưa nay phường đã thành lập các tổ công tác kiểm tra hoạt động bán hàng mang về, dịch vụ sửa xe được mở trở lại trên tinh thần nới lỏng nhưng không mất cảnh giác kiểm soát dịch bệnh. Qua kiểm tra tuyến phố “vệ sinh an toàn thực phẩm” Duy Tân, nơi có nhiều cửa hàng ăn uống phục vụ chủ yếu công sở và hợp tác xã Cốm làng Vòng, người dân chấp hành tốt, chỉ bán mang về.
Tuy "nới lỏng" theo tinh thần Chỉ thị 22 của TP nhưng lực lượng chức năng vẫn tiếp tục kiểm tra, kiểm soát tình hình thực hiện quy định phòng chống dịch của người dân theo quy định
Chủ tịch UBND phường Liễu Giai, quận Ba Đình, ông Đặng Thành Công thông tin, một số dịch vụ được mở cửa trở lại từ 12h hôm na. Nhân dân được đi chợ, đi siêu thị, mua mang về. Người dân hiểu đúng chủ trương của thành phố nới lỏng nhưng không lơ là phòng chống dịch, cần tuân thủ quy định “chỉ có việc cần thiết mới ra đường”, còn lại tất cả công tác chốt trực vẫn phải kiểm soát chặt, đảm bảo đúng quy định của thành phố.
Thiết nghĩ, để củng cố thêm thành quả phòng chống dịch của Hà Nội, sớm đưa Thủ đô trở về nhịp sống bình thường, không chỉ có sự nỗ lực của lực lượng chức năng, mà mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của chính mình, để mỗi người là một “pháo đài” phòng dịch hiệu quả.
Ngày 21/9, lực lượng chức năng kiểm soát 14.029 lượt phương tiện (trong đó 18 lượt phương tiện vận tải hành khách) với 17.757 lượt người qua chốt; yêu cầu 2.366 lượt phương tiện quay đầu (1.479 lượt không vào TP, 887 lượt không ra ngoài TP).
12 tổ cơ động mạnh đã kiểm soát 5.598 lượt người, trong đó phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 10 trường hợp (ra đường không có lý do cần thiết và các hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ).
Lực lượng chức năng các cấp xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống dịch bệnh Covid-19: 156 trường hợp (17 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng; 1 cơ sở dịch vụ vi phạm; 138 trường hợp có hành vi vi phạm khác).
|
Hoa Thành - TTTĐ