Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
6.945 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 23/8 nâng tổng số ca COVID-19 được điều trị khỏi: 154.612 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 711 ca.
Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 26 ca.
Ngày 23/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 389 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (340), Bình Dương (34), Long An (6), Đà Nẵng (3), Đồng Nai (2), Đồng Tháp (2), Cần Thơ (1), Bà Rịa ), Vũng Tàu (1).
Ảnh minh họa.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 23/8 là 8.666 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.
Tình hình xét nghiệm
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 269.928 xét nghiệm cho 539.008 lượt người.
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 9.450.525 mẫu cho 27.763.959 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19
Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêmlà 17.364.569 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 15.530.221 liều, tiêm mũi 2 là 1.834.348 liều.
Từ 25/8 phát thuốc Molnupiravir cho người bệnh F0 tại nhà ở TP HCM
Bộ Y tế cho biết, căn cứ kết quả đánh giá giữa kỳ của nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir tại cơ sở y tế, Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM sẽ triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát trường hợp mắc COVID-19 tại nhà và cộng đồng, dự kiến bắt đầu vào ngày 25/8 tại TP.HCM.
Trong chương trình, các trường hợp mắc COVID-19 (kết quả xét nghiệm bằng RT-PCR hoặc kit xét nghiệm nhanh tại nhà) có triệu chứng ở mức độ nhẹ sẽ được cán bộ y tế tư vấn, giải thích về chương trình, và sau khi đồng ý tự nguyện tham gia chương trình bằng văn bản sẽ được phát 1 túi thuốc home-based care.
Cùng với túi thuốc là tài liệu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế, Sở Y tế về tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với bác sĩ phụ trách, cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ.
Sau 5 ngày, tất cả bệnh nhân sẽ được đánh giá về tỉ lệ âm tính với virus SARS-CoV-2 và tỉ lệ bệnh không diễn tiến sang mức độ nặng hơn. Trong suốt thời gian 14 ngày, bệnh nhân sẽ được theo dõi về triệu chứng của bệnh COVID-19 và các tác dụng phụ nếu có của thuốc.
Việc triển khai cũng như các kết quả của chương trình sẽ được ghi nhận, đánh giá và tổng kết bởi các chuyên gia, cán bộ y tế theo một đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt.
Chương trình có sự đồng hành, tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, tập đoàn trong nước, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, các tổ phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động tại các quận, huyện của TP.HCM và các đơn vị liên quan khác.
Phú Yên dùng xe chuyên dụng tiêm vaccine COVID-19 lưu động
Ngày 23/8, là lần đầu tiên ngành Y tế Phú Yên tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 lưu động bằng xe ô tô chuyên dụng tại Bệnh xá Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên. Đây là loại xe được Bộ Y tế phân bổ cho 63 Sở Y tế các tỉnh, thành phố.
Trong 24h qua, tỉnh này ghi nhận 35 ca nhiễm SARS-CoV-2.
Từ ngày 23/6 đến nay, Phú Yên ghi nhận 2.477 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó TP Tuy Hòa 1.411 ca, huyện Phú Hòa 486 ca, TX Đông Hòa 147 ca, huyện Tây Hòa 66 ca, huyện Tuy An 167 ca, TX Sông Cầu 37 ca, huyện Đồng Xuân 54 ca, huyện Sơn Hòa 72 ca, huyện Sông Hinh 34 ca, tỉnh khác 3 ca.
Về công tác điều trị, trong 633 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế có 5 bệnh nhân nặng - nguy kịch, gồm 4 ca thở máy xâm lấn (trong đó có 2 ca lọc máu liên tục) và 1 ca thở máy không xâm lấn; 12 bệnh nhân viêm phổi nặng (thở ô xy mũi và mặt nạ); 10 bệnh nhân viêm phổi trung bình, nhẹ; 606 bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Hùng Tâm - Pháp luật Plus