Tình yêu và bi kịch trong Tố Tâm như men say của văn học lãng mạn (Phần 1)

18/01/2025 20:02

Kinhte&Xahoi Để xác định Tố Tâm như một tiểu thuyết ái tình tưởng cũng nên dừng lại ở tình yêu Tố Tâm - Đạm Thủy để làm rõ thêm các phẩm chất mới của nó, so với tất cả những mối tình của các cặp bạn tình, của các cặp giai nhân - tài tử đã có trong văn học cổ điển. Đây là một tình yêu không đi đến hôn nhân.

Tố Tâm là hình mẫu hiếm hoi của lớp trí thức đầu thế kỷ, mang trong mình những giằng xé giữa lý trí và con tim. Ảnh: Internet
 

Không là tình yêu do hôn nhân, hoặc trong hôn nhân. Cả Tố Tâm và Đạm Thủy, ngay trong say đắm của tình yêu vẫn đều tránh không nói tới cái kết thúc hôn nhân. Bởi lẽ việc hôn nhân của họ đã được hai bên gia đình sắp đặt rồi. Và họ không hề có ý cưỡng lại.

Đây là lời bộc bạch của Tố Tâm: “Em chỉ buồn vì một nỗi em quấy rối lòng anh và đế phiền đến người sẽ cùng anh nên gia thất. Việc gia thất của anh em đã biết trước, biết từ lúc em quen anh được ít lâu. Em vẫn hiểu rằng cuộc đời em là cuộc đời vẩn vơ, ải tình của em là ái tình vô hy vọng, nhưng em đã đem lòng yêu anh thì em cứ biết yêu anh, em lấy tình luyến ái của anh em ta làm khuây khỏa, còn về sau em phó mặc khuôn thiêng”.

Giá mà họ cưỡng lại!

Nhưng nếu họ có ý thức cưỡng lại, muốn cưỡng lại và biết cách cưỡng lại thì hẳn chắc tiểu thuyết Tố Tâm sẽ mang một âm hưởng khác và chẳng còn mấy ý vị đắm say, lãng mạn như đã có.

Nói cách khác, các nhân vật chính ở đây vẫn là “nạn nhân”, nhưng là “nạn nhân tự nguyện”.

Họ đã sống theo những thôi thúc của nội tâm, của tỉnh yêu; sống hết mình cho tình yêu, bất chấp nó từ đâu tới, và đi tới đâu. Để cho ở đây tình yêu được thăng hoa, được kết thành hoa trái là chính nó. Một tình yêu thể theo tiếng nói của con tim, chứ không là lý trí. Một tình yêu là tình yêu chứ không lẫn vào bất cứ trạng thái tình cảm nào khác. Một tình yêu chỉ lắng nghe tiếng lòng bên trong chứ không để tâm gì đến tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh. Và có lẽ chưa hẳn là cuối cùng, một tình yêu không phải để chứng minh: “Đời là bể khổ; tình là dây oan” (như di bút của Tố Tâm: nhờ người yêu để lại trên nấm mộ của mình mấy chữ: “Đây là mồ một người bạc mệnh chết vì hai chữ ái tình”). Trái lại, cả cuốn truyện, khi đi vào diễn biến tâm lý và dựng chân dung tâm hồn hai con người yêu nhau, tác giả lại cho thấy sự ngầm chứa chính hạnh phúc của ái tình trong biết bao là say mê, là đắm say, là nhớ nhung và khoắc khoải.

Minh họa Tố Tâm và Đạm Thủy - hai nhân vật chính với tình yêu say đắm nhưng không thể đến với nhau. Ảnh: Internet

Một diễn biến và kết thúc như thế trong bối cảnh tinh thần những năm 20 ở nước ta quả thật là mới mẻ và rất có ý nghĩa.

Tình yêu trong Tố Tâm do vậy mà trở thành một thứ men say, một sức quyến rũ gần như chưa có trong bất cứ tác phẩm văn chương Quốc ngữ nào, kể cả ngắn và dài, trước nó. Cái sức quyến rũ đến có thể gây mê, làm đắm đuối con người, như trong Kiều, và phần nào, trong Phan Trần và Sơ kính tân trang:

Mê gì mê đánh tổ tôm

Mê ngựa Hậu bổ, mê nôm Thúy Kiều.

Điều đáng lưu ý là tuy đắm say, khắc khoải nhưng tình yêu trong Tố Tâm không hề nhuốm màu vật dục. Những con người yêu nhau ở đây rất đam mê, say đắm, nhưng họ không bao giờ đi quá các giới hạn cho phép, ngay cả trong ý nghĩ. Trong yêu nhau họ vẫn tỉnh táo lo cho sự an toàn của nhau; và riêng Tố Tâm, nàng luôn nghĩ đến sự hy sinh cho hạnh phúc của người tình.

Cuốn tiểu thuyết có nhiều đoạn văn lâm ly réo rắt, khiến nhiều thanh niên nam nữ phải rỏ lệ, nhưng không phải tất cả chỉ đơn thuần một gam màu bi lụy. Có thể nói cuốn sách khởi đầu cho nền tiểu thuyết mới trong văn học hiện đại Việt Nam, và dòng văn chương lãng mạn Việt Nam là một cuốn sách trong sáng, lành mạnh. Nghe có vẻ lạ, nhưng chính là như thế.

Cuốn sách với hai nhân vật, và câu chuyện tình với kết thúc bi thảm là cái chết của cô gái trong Tố Tâm đã gây tranh luận sôi nổi và tạo nên các hiệu ứng xã hội không bình thường trong những năm hai mươi. Không ít người đọc, cả nam và nữ, khóc như mưa. Có những cặp tình nhân cùng ôm nhau nhảy xuống hồ, khiến cho tác giả Tố Tâm bị kết tội... Sự sôi nổi trong dư luận chung quanh Tố Tâm còn kéo dài ngót mười năm sau khi sách ra đời, cho đến nửa đầu những năm ba mươi.

Thế nhưng có điều đáng chú ý là lớp người như Tố Tâm và Đạm Thủy trong buổi giao thời đầu thế kỷ này vẫn chỉ thuộc vào một tỷ lệ nhỏ, rất nhỏ trong xã hội. Đạm Thủy, chàng sinh viên Cao đẳng - vào cái thời cả Đông Dương chỉ có 1 trường Cao đẳng, và số sinh viên của mỗi trường là con số rất ít ỏi - đương nhiên là thuộc con số hiếm hoi của lớp thanh niên trí thức bậc cao. Họ trở thành lớp người rất có giá đối với phụ nữ: “Phi Cao đẳng bất thành phu phụ”. Còn Tố Tâm là con nhà gia thế, vừa có nhan sắc vừa có tri thức: “Lúc bé học chữ Nho; đến 15 tuổi, lúc quan án mất, bà án về Hà Nội, cô Lan đi học chữ Tây, lấy được bằng sơ học thì ở nhà buôn bán”.

nguonluc.com.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đình chỉ hoạt động bãi xe không phép tại ô đất B4 Nam Trung Yên

Ngày 17/1, UBND phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy đã tổ chức kiểm tra, xác minh những nội dung liên quan đến bãi trông giữ xe và các công trình không phép tại ô đất B4 Khu đô thị Nam Trung Yên – khu vực bị biến thành nơi trông giữ phương tiện sai quy định.

https://nguonluc.com.vn/tinh-yeu-va-bi-kich-trong-to-tam-nhu-men-say-cua-van-hoc-lang-man-phan-1-a18829.html