Ảnh minh họa
Nhưng trái với ý muốn của tôi, cô suốt ngày ngồi với chiếc máy tính xách tay, kể cả đêm cũng vậy.
Với những đứa con, cô cũng tỏ ra lạnh nhạt và nghiêm khắc. Chúng ngoan, tự dậy đúng giờ không ai phải gọi, tự vệ sinh, ăn uống, chơi với nhau, đến giờ thì ngồi học, chúng không làm nũng mẹ như những đứa trẻ khác.
Việc nấu nướng, lau dọn nhà cửa với tôi không có gì là vất vả nhưng cô coi đó là việc của chị dâu không bao giờ đụng tay. Thỉnh thoảng, rời khỏi cái laptop để giải lao, cô vào bếp nhặt rau hay làm món gì đó, tội gợi chuyện nhưng cô chỉ trả lời nhát gừng. Thực sự tôi rất khó chịu.
Ngay hôm mới về, công khai và sòng phẳng, cô đưa tôi một khoản tiền ăn của ba mẹ con. Tôi từ chối bảo “người quê không thế” nhưng cô dứt khoát bắt cầm. Tôi nghĩ hẳn cô em này cậy mình có tiền.
Rồi chồng cô cũng về tránh dịch. Khác với vợ, em chồng tôi hay nói, hay làm, vui đùa với các con, hỏi han chuyện trò với anh chị, thăm hỏi hàng xóm, láng giềng. Những đồ điện trong nhà chú lôi ra sửa chữa, lau chùi sáng bóng như mới. Nhận ra đường dây điện đã cũ, chú mua dây về và thay lại hệ thống dẫn điện. Đợi hôm dự báo thời tiết mát mẻ, trong bữa tối chú thông báo ngày mai “cắt điện” để sửa chữa. Cô vợ giãy nảy: “Vẽ chuyện, tôi phải làm việc, phải có điện”. Chú không nói gì.
Hôm sau, chú “cắt điện” nhưng vẫn có nguồn điện riêng cho vợ làm việc. Chiếc máy phát điện hỏng bỏ xó từ lâu không dùng vì điện lưới rất ít khi mất, chú đã đại tu lại nó, nổ êm ru với đường đây dẫn vào phòng cô, đủ chạy quạt, wifi, máy tính... Cô vợ mặc nhiên hưởng thụ, chẳng tỏ vẻ cảm kích gì. Giờ thì tôi biết công việc của cô là “viết phần mềm”, dù dịch dã, cô cũng kiếm bộn tiền.
Hàng xóm cũng có cô gái lỡ thì làm ở thành phố về quê tránh dịch. Bố mẹ cô được con gái trang bị cho đủ thứ đồ điện nhưng sợ tốn tiền điện nên không dùng, giờ cô gái về mới mang ra sử dụng thì bị hỏng hết cả. Chú em sang giúp, khôi phục lại từ tủ lạnh, lò vi sóng đến máy giặt, điều hòa và lắp đặt wifi. Mải làm, chú bỏ cả bữa tối, cô vợ sang, mắng chồng sa sả khiến hai ông bà hàng xóm hết sức sửng sốt. Tôi góp ý với cô, như thế làm hàng xóm cho rằng mình coi thường họ, ghen tuông. Cô bảo: “Kệ họ. Chị đừng can thiệp vào chuyện vợ chồng em!”.
Tôi phàn nàn với chồng. Ông là con người nghiêm nghị, ít nói nhưng vợ con đều nể sợ. Những đứa con tôi đã trưởng thành, có gia đình riêng, làm cán bộ nhà nước mà vẫn sợ bố một phép. Ông rất tinh tường, dường như đọc được suy nghĩ của người khác mà chọn cách hành xử phù hợp, sao em trai của ông không có được cái đó?
Ông bảo tôi: “Cô em dâu này đáo để thế thôi nhưng rất tốt. Khi chồng nó bị tai nạn chính nó là người hiến máu, cứu chồng, thức đêm hàng tháng trời chăm sóc. Nó yêu chồng nhưng với cái cách khác bà. Thế nên bà đừng để ý chấp nhặt làm gì. Mỗi người một cách sống. Biết tôn trọng cách sống của nhau thì tất cả đều vui”.
Nhíu Nhiu - Pháp luật Plus