“Bác không có gì cho riêng mình ngoài những điều sâu sắc nhất, lớn lao nhất, vĩ đại nhất dành cho dân, cho đất nước, và Người chỉ tiếc không phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Sáng 30/8, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TP Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và 50 năm ngày mất của Người (2/9/1969-2/9/2019).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm.
Tham dự Lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ viên Trung ương Đảng…
Phát biểu tại đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trước lúc đi xa Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng, một văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian và tâm huyết, tự mình lặng lẽ rất công phu và chu đáo để hoàn thành bản Di chúc trong vòng 4 năm (từ năm 1965 đến1969) - giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta đang diễn ra ác liệt, đầy gian khổ, hi sinh.
“Chỉ với hơn 1.000 từ vô cùng ngắn gọn, Di chúc của Người đã truyền cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ý chí quyết tâm sắt đá, niềm tin mãnh liệt và sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, sức mạnh của chính nghĩa và chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, trong Di chúc, Người trước hết nói về Đảng, căn dặn chúng ta những vấn đề trọng yếu nhất về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Nội dung Di chúc chỉ rõ, ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta giành hoàn toàn thắng lợi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình; toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân.
Đại biểu tham dự lễ kỷ niệm được tổ chức tại Hà Nội.
Ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng, cho đến trước lúc đi xa, mối quan tâm hàng đầu của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng Đảng về đạo đức. Trong Di chúc người căn dặn, Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên, cán bộ, phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần - kiệm - liêm – chính, chí công vô tư, giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
“Những chỉ dạy của Người vừa là sự tổng kết sâu sắc về lý luận, vừa là vấn đề mang tính nguyên tắc và thời sự để giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và các Đảng viên”, Tổng Bí thư nói và nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho mục tiêu cao cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng những nội dung trong Di chúc cho thấy hình ảnh một Chủ tịch Hồ Chí Minh đầy bao dung, nhân ái, suốt đời dành tình thương yêu trọn vẹn đối với mọi tầng lớp nhân dân và toàn thể nhân loại như nhà Thơ Tố Hữu viết: “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người”.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua cuộc đời đầy oanh liệt, đầy gian khổ, hy sinh vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Trọn đời Người vì nước, vì dân, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghẹn ngào khi nhắc về Bác.
Phần cuối Di chúc, dù Bác nói về việc riêng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trong đó hàm chứa trong đó rất nhiều suy tư, trăn trở, toát lên sự suy nghĩ và hành động lo cho nước, cho dân.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bác không có gì cho riêng mình ngoài những điều sâu sắc nhất, lớn lao nhất, vĩ đại nhất dành cho dân cho đất nước, và Người chỉ tiếc không phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, 50 năm thực hiện Di chúc của Bác là một chặng đường lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, khẳng định dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, toàn đảng, toàn quân, toàn dân ta cũng đoàn kết một lòng, kiên định con đường cách mạng mà Đảng ta, nhân dân ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.