Một quầy bán bánh Trung thu trong siêu thị Saigon Co.op mart.
Giữ khách hàng truyền thống
Mọi năm vào thời điểm này, các quầy bán bánh Trung thu của đủ các thương hiệu, nhà bán lẻ xuất hiện trên nhiều tuyến phố của thành phố Hồ Chí Minh. Đó không chỉ là nơi bán bánh trực tiếp đến người mua mà còn là một trong những cách quảng bá thương hiệu sản phẩm hiệu quả.
Nhưng đến thời điểm nay, người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy số lượng các quầy bán hàng như trên là rất ít, hầu như mới chỉ xuất hiện tại một số siêu thị. Tuy nhiên hiện tượng này không phải do các hãng và nhà bán lẻ chưa bán hàng, mà họ đang triển khai một cách tiếp cận mới.
Bánh Trung thu bước vào vụ kinh doanh mới.
“Chúng tôi vừa tổ chức hội nghị khách hàng cả nước. Đáng mừng là khách truyền thống mua lượng lớn năm nay vẫn tiếp tục gắn bó với thương hiệu Kinh Đô, nên lượng đặt mua khả quan. Chúng tôi làm mới mình bằng cách đưa ra thị trường 70 vị bánh với 25 thiết kế khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, thông qua các kênh bán hàng truyền thống và trực tuyến”, đại diện công ty Mondelez Kinh Đô thông tin.
Trong khi đó, Như Lan là một thương hiệu bánh Trung thu thủ công lâu năm ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh cũng có cách tiếp cận tương tự khi đưa ra thị trường nhiều loại bánh với mức giá từ 50.000 đồng đến 750.000 đồng/chiếc. Mục tiêu là để những khách hàng truyền thống vốn mua bánh của nhãn hàng này tiếp tục được phục vụ như thói quen lâu nay. Theo đại diện nhãn hàng, mức giá nói trên được giữ ổn định suốt 3 năm qua.
Một số nhãn hàng truyền thống cũng đã bày bán bánh Trung thu.
Tại quận 6 và quận 5, nơi tập trung nhiều lò bánh Trung thu của người gốc Hoa, cảnh mua bán cũng dần nhộn nhịp. Năm nay, các lò bánh có tiếng như Đông Hưng Viên, Phương Diêm Thuận... cũng sớm đưa nhiều loại bánh ra thị trường, nhưng không ngoài các loại bánh đã từng chinh phục khách hàng các năm qua.
Nhiều cơ sở sản xuất bánh nhận định: Tập trung giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm quen thuộc là chiến lược phù hợp để tiếp tục làm hài lòng khách hàng truyền thống, thay vì đưa ra thị trường sản phẩm mới, trong bối cảnh lượng tiêu thụ có thể giảm so với trước dịch Covid-19.
Cách làm mới cho sản phẩm cũ
Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống, các nhà sản xuất cũng nỗ lực tạo thêm những nét mới quanh chiếc bánh Trung thu, từ đó thu hút sự chú ý của khách hàng, tô đậm ý nghĩa sản phẩm vốn không chỉ là một loại bánh mà còn là quà tặng truyền thống trong dịp này.
Với thế mạnh là nhà sản xuất công nghiệp quy mô lớn, năm nay, nhãn hàng Kinh Đô đưa vào chiếc bánh Trung thu của mình thông điệp “Trọn sum vầy - Sáng mãi chuyện đêm trăng” nhân dịp 25 năm hiện diện. Đơn cử, chiếc hộp bánh cũng được thiết kế cầu kỳ và bắt kịp xu thế, khi chỉ cần chiếu ánh đèn điện thoại di động vào mặt sau của nắp hộp bánh, khối trang trí phía trước sẽ biến thành chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân vừa hiện đại, vừa truyền thống.
Các nhãn hàng bánh trung thu công nghiệp khác tại thành phố Hồ Chí Minh như Bibica, Đồng Khánh, Kido, ABC Bakery… năm nay cũng tập trung nhiều hơn vào làm mới mẫu mã, bao bì sản phẩm, bởi bánh Trung thu còn thường được dùng làm quà tặng.
Nhiều nhà sản xuất tập trung hơn vào cải tiến bao bì sản phẩm để phục vụ phân khúc khách hàng mua bánh làm quà tặng.
Là người thường xuyên mua bánh Trung thu số lượng lớn để công ty làm quà tặng, chị Phương Diễm Trang (đường Trương Định, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, các thương hiệu lâu năm đang chiếm ưu thế trên thị trường. Các thương hiệu nhỏ hơn, nhất là các lò bánh thủ công, có dấu hiệu thu hẹp sản xuất.
“Tôi biết giá nguyên liệu đầu vào làm bánh năm nay tăng đến 30% so với năm trước, trong khi lượng khách hàng, nhất là khách hàng phổ thông, dự kiến sẽ ít hơn, dẫn tới sức mua ở phân khúc này giảm. Do vậy, một mặt khách hàng sẽ tìm đến các sản phẩm đã chứng minh được sự ổn định chất lượng trong nhiều năm, một mặt lựa chọn khắt khe hơn về mẫu mã, ý nghĩa và giá cả khi mua bánh. Vì thế, thị trường bánh Trung thu năm nay có nhiều điểm khác với các năm trước”, chị Trang nói.
Tuệ An - Hà Nội mới