TP Hồ Chí Minh: Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịp Tết 2023 tăng cao nhất trong 5 năm qua
Kinhte&Xahoi
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, thống kê trong mùa Tết Nguyên đán 2023, tổng mức bán lẻ của thành phố xấp xỉ 57.000 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất trong 5 năm qua, do đó không có chuyện sức mua giảm trong dịp Tết vừa qua.
Quang cảnh buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh chiều qua
Chia sẻ về thông tin sức mua hàng hóa trước, trong và sau Tết, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, sức mua, nhu cầu tiêu dùng, sắm Tết năm nay tăng cao so với các năm trước.
Qua thống kê sơ bộ, trong mùa Tết Nguyên đán 2023, tổng mức bán lẻ xấp xỉ 57.000 tỷ đồng, cao nhất trong 5 năm; Do đó không có chuyện sức mua giảm trong dịp Tết vừa qua. Tuy nhiên, khi đi mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng lượng người không sôi động như các năm trước.
Nguyên nhân là do phương thức bán hàng của doanh nghiệp đã khác như: Bán hàng qua nhiều kênh truyền thống, kênh trực tuyến… Vì vậy, khi đi mua sắm kênh truyền thống chúng ta sẽ không thấy đông khách như các năm trước.
Đối với việc kiểm tra hàng hóa, giá cả trên địa bàn, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, Sở Công thương thường xuyên phối hợp với Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường… thực hiện các cuộc kiểm tra chuyên đề. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, các đơn vị đã báo Sở Công thương, Sở Tài chính để đi kiểm tra hàng hóa thị trường trong thời gian mua sắm trước, trong và sau Tết. Tới nay chưa phát hiện dấu hiệu bất thường nào về giá cả, hàng gian hàng giả trên địa bàn.
Trong mùa Tết Nguyên đán 2023, tổng mức bán lẻ của TP Hồ Chí Minh xấp xỉ 57.000 tỷ đồng
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác chăm lo Tết Quý Mão 2023 và tình hình kinh tế - xã hội tháng 1, nhiệm vụ, giải pháp tháng 2 năm 2023 của UBND TP Hồ Chí Minh vào ngày 1/2, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân dịp Tết, thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết, tăng cường sản xuất, tập trung nguồn hàng, bố trí hệ thống kho dự trữ tập kết hàng hóa, nhân lực, đảm bảo khả năng cung ứng kịp thời, đầy đủ để điều phối, thực hiện ngay khi có yêu cầu.
Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch phục vụ Tết từ sớm, sẵn sàng phương án cung ứng những ngày cận Tết tăng từ 2 - 3 lần so với ngày thường.
Thống kê của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, sức mua, nhu cầu tiêu dùng, sắm Tết năm nay tăng khoảng 4 - 5% so với Tết Nhâm Dần 2022; Sức mua bắt đầu tăng sau ngày 14/1 (tức 23 tháng Chạp Âm lịch); Tăng mạnh từ ngày 18/1/2023 (tức 27 tháng Chạp Âm lịch); Giá một số mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết tăng nhẹ trong những ngày cao điểm mua sắm Tết.
"Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trên địa bàn đã khẩn trương bắt nhịp lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo ghi nhận, có hơn 95% người lao động đã quay trở lại các nhà máy.
Tuy nhiên, doanh nghiệp thành phố đang phải đối diện với những khó khăn, đó là đơn hàng sụt giảm (nhiều ngành nghề hiện nay đơn hàng chỉ bằng 30 - 40% so với cùng kỳ); Tiếp cận tín dụng khó khăn; Xung đột vũ trang ở một số nơi tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng toàn cầu…", ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm.
Nguyễn Trang - TTTĐ