TP.HCM nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp

14/03/2024 09:52

Kinhte&Xahoi UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch hoạt động công tác Dân số năm 2024 tại TP.HCM.

Cụ thể, kế hoạch nhằm nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và thích ứng với già hóa dân số; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố.

Theo đó, năm 2024, TP.HCM đặt chỉ tiêu tổng tỷ suất sinh: 1,36 con/phụ nữ; điều chỉnh mức sinh (+CBR) so với năm 2023: tăng 0,5 điểm ‰.

Tổng số người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại trong năm 450.000 người; Giảm số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn: 10% so với năm 2023.

Tình trạng mức sinh thấp ở mức báo động

Tỷ số giới tính khi sinh: ≤107 số bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Tăng thêm tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn: 15% so với năm 2023.

Thành phố cũng đặt chỉ tiêu tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh): 85%; Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh): 82%. Tuổi thọ bình quân đạt 76,5 tuổi

Quản lý, cập nhật 100% số bà mẹ mang thai, số trẻ sinh sống thực tế cư trú tại địa bàn; Tăng thêm tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm: 15% so với năm 2023.

Bác sĩ thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân cho các cặp đôi

Bên cạnh đó là duy trì hoạt động 162 Câu lạc bộ Người cao tuổi giúp người cao tuổi và 162 tổ tình nguyện chăm sóc người cao tuổi già yếu neo đơn tại cộng đồng ở 162 phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố; Mở rộng 22 Câu lạc bộ Người cao tuổi giúp người cao tuổi và 22 tổ tình nguyện chăm sóc người cao tuổi già yếu neo đơn tại cộng đồng.

Về công tác chỉ đạo, điều hành, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác dân số. Triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đến năm 2030 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các chính sách dân số tại thành phố, trong đó tập trung giải quyết tình trạng mức sinh thấp, già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai; đầu tư kinh phí, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ đủ năng lực để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác dân số của thành phố.

Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy

Tăng cường phối hợp liên ngành, phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và của cả cộng đồng trong công tác dân số. Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số.

Năm 2023, tổng tỷ suất sinh của TP.HCM là 1,32 con/phụ nữ, giảm so với năm 2022 là 1,39 con/phụ nữ.

Việc nỗ lực giải quyết các nhóm vấn đề cấp thiết của công tác dân số tại TP.HCM có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần ổn định quy mô, cơ cấu dân số thành phố, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho sự phát triển của thành phố trong tương lai.

Tại Việt Nam, xu hướng giảm mức sinh sẽ khiến dân số Việt Nam già hóa nhanh hơn. Trong khi đó, khi sinh ít con, nhiều gia đình Việt Nam lại lựa chọn giới tính để sinh được con trai. Ước tính, đến năm 2036, Việt Nam sẽ thừa khoảng 1,5 triệu nam giới.

Đỗ Quyên - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://phapluatplus.vn/tphcm-no-luc-giai-quyet-tinh-trang-muc-sinh-thap-196927.html