Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của UBND TP.HCM về đề án “Phố đêm Chợ Lớn gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn quận, Phó Chủ tịch UBND quận 6 Vương Thanh Liễu cho biết, đề án phố đêm Chợ Lớn gắn với phát triển du lịch quận cùng điểm nhấn là chợ Bình Tây - một công trình kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Mục tiêu xa hơn, phố đêm sẽ kết nối với cụm du lịch quận 11, quận 5 (phố sủi cảo Hà Tôn Quyền, đường Hải Thượng Lãn Ông, đường Châu Văn Liêm), qua đó, hình thành khu vực du lịch lớn của TP.HCM.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Bà Lê Thị Thanh Thảo, Chủ tịch UBND quận 6 cho biết, ban ngày chợ Bình Tây nhộn nhịp nhưng đến 18 giờ thì lắng xuống, thấy không gian lãng phí nên địa phương lên ý tưởng tổ chức phố đêm.
Phố đêm Chợ Lớn dự kiến khai thác không gian vỉa hè 4 tuyến đường: Nguyễn Hữu Thận, Tháp Mười, Lê Tấn Kế, Trần Bình (trước mặt chợ Bình Tây, từ đường Nguyễn Xuân Phụng đến đường Chu Văn An). Hoạt động từ 18 giờ đến 24 giờ mỗi ngày.
Tổng diện tích phố đêm rộng 1.510m2 được cơ cấu sử dụng với 7 khu cùng 41 gian hàng về ẩm thực, mua sắm, đồ lưu niệm, đồ công nghệ, thời trang phong cách trẻ. Ngoài ra, phố đêm còn có sân khấu phía trước chợ Bình Tây tổ chức các sự kiện văn hóa, giao lưu văn nghệ. Toàn bộ cây xanh phía trước sẽ được chiếu sáng trang trí, trạm thông tin, sạc điện thoại, wifi miễn phí, khu ngồi nghỉ chân.
Dự án phố đêm Chợ Lớn có tổng diện tích hơn 1.500m2, được chia thành 7 phân khu chức năng với 41 gian hàng.
Các đơn vị sẽ thiết kế, thi công cổng chào và biểu tượng tại đầu đường Nguyễn Hữu Thận giao với đường Tháp Mười để tạo nhận diện và thu hút du khách chụp hình check-in. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cấp điện và nước) được ngầm hóa toàn bộ.
Bà Thảo cho biết đã trình Sở VH-TT phương án trình chiếu ánh sáng nghệ thuật chợ Bình Tây vào ban đêm để tạo điểm nhấn. Về lộ trình thực hiện, quận 6 sẽ chỉnh trang vỉa hè các tuyến đường trên để vận hành chính thức trong năm 2024.
Bà Thảo nhấn mạnh quan điểm của địa phương là không chạy theo phong trào chung, đề án phố đêm Chợ Lớn sẽ được xây dựng kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện trước khi vận hành. Đề án hướng tới mục tiêu lâu dài để phố đêm tồn tại và phát triển. Ngoài ra, dòng kênh Hàng Bàng chảy qua trục đường Phan Văn Khỏe sau lưng chợ Bình Tây khi hoàn thành cải tạo sẽ là dấu ấn quan trọng của khu phố đêm.
UBND quận 6 cũng lên phương án bố trí hệ thống cấp thoát nước, vệ sinh môi trường và quản lý hoạt động hỗ trợ tiểu thương kinh doanh ban đầu. Theo kế hoạch, việc quản lý vận hành phố đêm do Ban quản lý chợ Bình Tây thực hiện.
Khu vực trước chợ Bình Tây, quận 6 dự kiến tổ chức phố đêm.
Liên quan đến đơn giá cho thuê mặt bằng, Phó giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trần Phú cho rằng cần khảo sát giá thuê thị trường, tổ chức đấu giá thuê vị trí để tránh khiếu nại phát sinh sau này. Toàn bộ nguồn thu từ đấu giá sẽ nộp ngân sách.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng nêu thực tế, tại thành phố có những mô hình phố đêm rất thành công như đường Hồ Thị Kỷ (quận 10) thu hút người trẻ đến đông đúc nhưng cũng có phố đêm sức sống không bền. Ủng hộ chủ trương mở phố đêm khu vực chợ Bình Tây, ông Dũng đề nghị quận 6 đánh giá kỹ thêm một lần nữa, chú ý đảm bảo hạ tầng như điện, nước, chỗ giữ xe, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Địa phương phối hợp Sở GTVT, Sở Xây dựng thống nhất đầu mối quản lý, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng, không để phố đêm thành phố nhậu.
Quận 6 có tổng diện tích tự nhiên 7,14km2, chiếm 0,34% diện tích tự nhiên của toàn thành phố. Quận có 6 di tích gồm 3 di tích lịch sử văn hóa và 3 di tích kiến trúc nghệ thuật, trong đó công trình chợ Bình Tây được UBND TP.HCM công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật, là điểm đến du lịch.
Thời gian qua, số lượng khách đến tham quan, mua sắm tại chợ Bình Tây ngày càng tăng, trong đó khách nước ngoài khoảng 20.000 lượt người tham dự lễ hội, tham quan và mua sắm (chiếm 73%).
Đỗ Quyên - Pháp luật Plus