'Tranh cãi' việc 'chỉ cần học Toán giỏi, không lo viết chữ xấu'
Kinhte&Xahoi
Trên mạng xã hội đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc một phụ huynh học sinh cho rằng “Toán học ổn là được, không cần lo chữ xấu”.
Đoạn hội thoại của cô giáo và phụ huynh.
Theo phụ huynh này, qua trao đổi, cô giáo phản ánh con của chị học môn Toán khá ổn, tuy nhiên, môn Tiếng Việt thì còn kém bởi chữ viết gãy, không được đều nét. Cô giáo dặn dò gia đình kèm cặp thêm cho học trò này.
Đáp lại, phụ huynh viết: "Toán ổn là được rồi. Sau này dùng điện thoại với máy tính là chủ yếu nên không cần lo chữ xấu. Cám ơn cô giáo nhé!".
Quan điểm của phụ huynh trên gây tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, từ xưa đến nay, khi trẻ đi học được nắm rõ "nét chữ nết người", bởi vậy nên quá trình rèn chữ rất được chú trọng.
“Rèn chữ không chỉ là rèn chữ mà là rèn tính cẩn thận và kiên trì cho học sinh. Không cần phải quá cầu kỳ nhưng phải rõ ràng rành mạch. Nếu bảo rằng sau này gõ máy tính nên không cần rèn chữ vậy thì khỏi cho bé tập viết luôn vì ngay bây giờ Google đã có thể nhận dạng giọng nói thành chữ viết rồi, không cần gõ phím nữa đâu. Công nghệ ra đời để phục vụ con người chứ không phải để biến con người thành nô lệ”, một ông bố bình luận.
Chị Nguyễn Thị Mai (30 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) nêu: "Luyện viết chữ quan trọng là rèn cho con tính kiên nhẫn, chỉn chu trong việc học cũng giúp con sau này làm việc khác hoàn chỉnh hơn. Mình vẫn muốn con mình rèn luyện cách viết chữ, trẻ nhỏ mà, cái gì càng chỉn chu từ bé thì lớn lên tính cách ấy cũng đi theo”.
Bên cạnh đó, không ít phụ huynh đồng tình “không cần lo chữ xấu”. Theo anh Nguyễn Văn Thành (29 tuổi, quận Cầu Giấy), việc viết chữ đẹp không có nhiều tác dụng, rèn viết chữ đẹp vừa tốn thời gian mà nó cũng không ứng dụng thực tế. “Theo tôi chỉ cần viết được, đọc hiểu được là được rồi. Đâu phải chữ đẹp mới thành công, để dành trí óc rèn những kỹ năng và tư duy toán học và tự nhiên có tác dụng thực tế hơn”, anh Thành chia sẻ.
Một phụ huynh khác bày tỏ: “Viết chữ xấu có thể khắc phục được bằng máy tính, điện thoại còn các môn Toán, môn tự nhiên học không giỏi thì rất khó cải thiện. Chữ đẹp thì có giúp được có cơm ngon áo đẹp sau này không”.
Trong khi đó, chị Lê Thu Phương (34 tuổi, quận Long Biên) cho rằng, quan điểm trên có phần đúng, phần sai. Chị Phương lý giải: “Đúng là có thể họ cho rằng thời đại công nghệ số càng được nâng cấp thì con người phải theo kịp thời đại. Chuyển hoá từ viết tay sang đánh máy. Và giao lưu quốc tế qua văn bản mạng enternet.
Nhưng chữ viết là một nghệ thuật, nét đẹp riêng của dân tộc. Xưa vẫn có câu: “Nét chữ, nết người”. Con người được rèn luyện qua chữ viết sẽ có tính kiên trì, bình tĩnh, cẩn thận. Khi nhìn vào chữ viết, ta có thể đoán được tính cách của người đó. Nét đẹp từ tâm hồn thể hiện qua những con chữ. Thời đại mới luôn chạy theo cái mới nhưng không thể bác bỏ cái cũ được”.
Còn ý kiến Quý độc giả thì sao, mời chia sẻ phần Ý kiến bạn đọc dưới bài này.
L. Ngọc - Pháp luật Plus