Đồng chí Lương Thị Lanh, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp và lãnh đạo tỉnh trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho các công dân Lào
Tham dự buổi lễ có, đồng chí Lương Thị Lanh, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp. Về phía UBND tỉnh TT-Huế có đồng chí Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan.
09 cá nhân được Chủ tịch nước quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam là công dân Lào thuộc diện di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam-Lào. Tất cả hiện đang sinh sống tại các xã Đông Sơn, Hồng Vân, A Roàng, Nhâm, A Ngo, Hồng Quảng của huyện A Lưới.
Trước đó, UBND tỉnh TT- Huế đã ban hành nhiều Quyết định và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Qua khảo sát khảo sát song phương của Tổ chuyên viên liên hợp với tỉnh Salavan, tỉnh Sê Kông tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, kết quả có 09 trường hợp người di cư tự do, kết hôn không giá thú từ tỉnh Salavan, tỉnh Sê Kông qua cư trú tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế (trong đó có 04 trường hợp từ tỉnh Salavan sang cư trú tại huyện A Lưới và 05 trường hợp từ tỉnh Sê Kông sang cư trú tại huyện A Lưới).
Qua xem xét, Sở Tư pháp nhận thấy 09 hồ sơ của người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật nên đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn gửi Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét cho 09 người Lào di cư tự do, kết hôn không giá thú được nhập quốc tịch Việt Nam.
Đến ngày 03/7/2019, Chủ tịch nước có Quyết định số 1146/QĐ-CTN về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 09 trường hợp người di cư tự do, kết hôn không giá thú hiện đang cư trú tại Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã thông nhất đồng ý 08 trường hợp trẻ em là con của người di cư tự do và kết hôn không giá thú được phép ở lại Việt Nam, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét cho nhập quốc tịch Việt Nam, ở lại cư trú, đăng ký hộ tịch và cấp các giấy tờ khác theo quy định.
Niềm vui của những công dân Lào được nhập quốc tịch Việt Nam.
Các cá nhân được nhận Quyết định của Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch Việt Nam đều bày tỏ biết ơn trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng thời cam kết với chính quyền địa phương sẽ chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; chăm chỉ lao động sản xuất xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trở thành công dân tốt của nước Việt Nam.
Chị Kêr Thị Ân (SN 1980) vui mừng cho biết, chị rất tự hào khi đã trở thành công dân Việt Nam thực sự. Đây là điều mà bao nhiêu năm hằng mong muốn và cũng là điều kiện để chị và các công dân vừa được nhập quốc tịch Việt Nam an tâm lao động, sinh sống.
Tại buổi lễ, đồng chí Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT- Huế chúc mừng các công dân Lào đã được Chủ tịch nước Việt Nam quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam và cảm ơn sự quan tâm của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, sự nỗ lực đầy trách nhiệm của các sở, ban ngành của tỉnh, đặc biệt là của Tổ chuyên viên liên hợp trong việc thực hiện Quyết định số 2627 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cũng đề nghị, các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương cần quan tâm hỗ trợ, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật cũng như các chính sách của tỉnh, của huyện, xã cho người dân nắm bắt, hiểu rõ để sớm hòa nhập, sống ổn định với cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, rà soát các chủ trương chính sách với đồng bào dân tộc miền núi, vùng khó khăn biên giới để có chính sách về đất đai, hỗ trợ sản xuất, giáo dục, y tế, hộ nghèo, hộ tịch...cho người dân nhằm xây dựng các bản làng văn hóa, gia đình văn hóa khu vực biên giới.
Ông Đào Chuẩn- Giám đốc Sở Tư pháp TT-Huế cho biết, trong quá trình thực hiện thỏa thuận gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: hầu hết người di cư tự do không biết tiếng địa phương nên quá trình thu thập thông tin rất khó khăn; địa hình biên giới hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, nên gặp không ít khó khăn trong quá trình điều tra của Tổ Chuyên viên liên hợp…
Trong thời gian tới mong tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Lãnh đạo UBND tỉnh, sự quan tâm phối hợp của Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, huyện A Lưới, các xã và các cơ quan đơn vị liên quan để Sở Tư pháp hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trước đó, từ năm 2010-2012, 147 người Lào di cư tự do, kết hôn không giá thú qua biên giới A Lưới của tỉnh cư trú ổn định lâu năm đã được Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch Việt Nam. Nhờ vậy, đã giải quyết căn bản vấn đề quốc tịch, làm cơ sở cho việc đăng ký hộ tịch, cư trú tại khu vực biên giới của bà con được thuận lợi.