Trẻ bị xâm hại ở nơi tưởng là an toàn nhất

28/04/2020 09:49

Kinhte&Xahoi Đầu năm 2019, trung bình mỗi ngày có bảy trẻ bị xâm hại.

Ngày 27-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Nhiều đại biểu chỉ ra nhiều điểm còn chưa hợp lý cho công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Trẻ bị xâm hại ở nơi tưởng là an toàn nhất - ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội,  Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội  Lê Thị Nga trình bày báo cáo. Ảnh: TTXVN

Đầu năm 2019, mỗi ngày cả nước có bảy trẻ em bị xâm hại

Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2015-2019, cả nước có gần 8.500 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với hơn 8.700 trẻ em bị xâm hại. Trong số này có hơn 6.400 trẻ bị xâm hại tình dục, còn lại là trẻ bị bạo lực, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt và bị xâm hại bằng các hình thức khác.

Riêng trong sáu tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến với 1.400 trẻ bị xâm hại (trung bình mỗi ngày cả nước có bảy trẻ em), gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018.

Trình bày dự thảo báo cáo của đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay trong các vụ xâm hại này thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm trên 75% tổng số vụ xâm hại trẻ em.

“Còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ” - bà nói.

Cạnh đó, công tác theo dõi, thống kê tình hình trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức, số vụ được phát hiện và xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế.

“Ở một số địa phương, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ có xu hướng gia tăng, chiếm khoảng 90%” - bà cho hay.

“10 bộ lao động cũng không làm hết được…”

“Ngay nơi chúng ta gọi là bình yên nhất đối với trẻ em là gia đình thì trẻ cũng bị xâm hại. Nơi phải bảo đảm yêu cầu bảo vệ trẻ em theo văn minh là trường học nhưng đều có thể xảy ra những việc thế này. Ngay cả chỗ các cháu được đưa vào để bảo vệ là trung tâm bảo trợ trẻ em thì trẻ em vẫn bị xâm hại... Đây là vấn đề nhức nhối” - Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu (trưởng đoàn giám sát) nói.

Theo ông Lưu, hành vi xâm hại trẻ em có trường hợp không phát hiện hoặc không kịp thời, có trường hợp phát hiện ra rồi thì bỏ mặc nếu công luận, báo chí và bản thân các em không lên tiếng.

Ông Lưu đề nghị cần phải đặt vấn đề về trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan và người đứng đầu trong việc để xảy ra các vụ xâm hại trẻ em.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho hay có nhiều vụ xâm hại, đánh đập nhưng nhà trường, đoàn thể, chính quyền không hề biết. Nhiều trẻ em bị cha, mẹ đánh đập, khóc ầm ĩ cả xóm nhưng không ai can thiệp, coi đó là việc của gia đình người khác...

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng các vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra mọi nơi, mọi chỗ, mọi thời gian, rất khó quản lý. “Quản lý thì ban ngày nhưng việc lại xảy ra ban đêm và trong bóng tối. 10 bộ lao động cũng không làm hết được” - ông Dung nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu tất cả đơn vị để xảy ra các vụ xâm hại trẻ em. “Một bảo vệ xâm hại 2-3 cháu thì ngoài việc xử lý đối tượng, người đứng đầu cơ quan bị xử lý thế nào? Một xã nông thôn mới để xảy ra chuyện này thì xử lý ra sao?...” - ông Dung nêu hàng loạt câu hỏi.

Không bố trí ngân sách cho công tác trẻ em

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kiến nghị trong nghị quyết của QH cần yêu cầu HĐND các địa phương có ngân sách dành cho công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. “Có địa phương đầu tư tổ chức một đêm Trung thu mấy tỉ đồng nhưng đầu tư cho quản lý nhà nước về công tác trẻ em chỉ 50 triệu đồng, mà tôi phải gọi điện thoại xuống thì mới bố trí. Có câu chuyện địa phương trong ba năm không bố trí xu nào. Phải đến khi Chính phủ tổ chức hội nghị mới vội vàng bố trí mấy trăm triệu đồng” - ông Dung nói.

Theo bà Lê Thị Nga, lúc đầu đoàn giám sát có kiến nghị ngân sách riêng cho công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nhưng Chính phủ, Bộ Tài chính không đồng tình. Luật Ngân sách nhà nước cũng không có việc này, phải đưa ra khỏi dự thảo báo cáo.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Điều tiết hồ thủy điện ứng phó khô hạn

Để đảm bảo nước sinh hoạt cho vùng hạ du và phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng như phát điện, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có hướng dẫn chi tiết việc vận hành các hồ chứa thủy điện trong những tháng còn lại của mùa khô năm nay.

Theo Pháp luật TP. HCM/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tre-bi-xam-hai-o-noi-tuong-la-an-toan-nhat-d123150.html