Trẻ em bị khủng hoảng tâm lý sau đại dịch
Kinhte&Xahoi
Giới chuyên gia Mỹ vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng trẻ em nước này rơi vào khủng hoảng sức khỏe tâm thần với hàng loạt các trường hợp bị trầm cảm, lo âu, sợ hãi, biếng ăn, đánh lộn và thậm chí tìm đến tự tử.
Học trực tuyến một thời gian dài do đại dịch khiến sức khỏe tâm thần của trẻ em bị ảnh hưởng (Ảnh: Getty)
Nhiều bậc phụ huynh tại Mỹ chia sẻ, đại dịch COVID-19 khiến con cái của họ phải học trực tuyến trong gần 2 năm qua. Việc thiếu cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè hay tham gia các hoạt động ở trường đã gây nên khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở trẻ em.
Bà Deanna Caputo, một nhà tâm lý học và là mẹ của 2 đứa con sống tại bang Virginia cho biết, bà bắt đầu nhận thấy các triệu chứng trầm cảm ở con trai mình sau 8 tuần học online.
Theo các chuyên gia, ở những khu vực người dân có thu nhập thấp, tình hình khủng hoảng rất nghiêm trọng và thậm chí càng tồi tệ hơn vì các trường học thiếu giáo viên và chuyên gia tư vấn tâm lý để có thể hỗ trợ kịp thời cho các em.
Những em không có điều kiện kết nối Internet thậm chí còn cảm thấy bị cô lập, lạc lõng, bị bỏ rơi hơn nữa.
Số liệu của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy, đầu năm 2021, số trẻ em gái phải cấp cứu vì các vấn đề tâm lý, thậm chí tìm đến tự tử tăng 51%, trong khi số trẻ em trai tăng 4% so với 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch.
Tình trạng trẻ em nhập viện vì rối loạn ăn uống, lo âu, căng thẳng cũng tăng gấp đôi trong cùng thời gian này.
Cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết (Ảnh: AP)
Việc học sinh nghỉ học dài ngày ở nhà đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển sức khỏe của trẻ trên thế giới nói chung, sức khỏe tinh thần nói riêng. Theo kết quả từ một cuộc khảo sát quốc tế về trẻ em và người trưởng thành ở 21 quốc gia được thực hiện bởi UNICEF và Gallup - đơn vị được đề cập trong Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới năm 2021, trung bình cứ 5 người trong độ tuổi từ 15 - 24 được khảo sát thì có 1 người cho biết họ cảm thấy chán nản hoặc hầu như không có hứng thú làm bất cứ việc gì.
Cũng theo dữ liệu từ UNICEF, cứ 7 em thì có ít nhất 1 em trong tổng trong tổng số trẻ em trên toàn cầu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục. Gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như trăn trở về thu nhập gia đình và sức khỏe đang khiến nhiều người trẻ rơi vào cảnh lo sợ, tức giận và băn khoăn về tương lai.
Tuệ Uyên - TTTĐ