Trẻ em muốn gì trong Ngày Hạnh phúc?

20/03/2019 09:38

Kinhte&Xahoi Hôm nay (20/3) là Ngày quốc tế Hạnh phúc. Cách đây 7 năm, ngày 20/3/2012, ngày lễ quốc tế này sau khi tất cả 193 quốc gia thành viên nhất trí thông qua, đã được Đại hội đồng Liên Hợp quốc chính thức chọn không những để tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại trên thế giới mà còn mang ý nghĩa biểu tượng là ngày của hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng thế giới đại đồng, đem lại hạnh phúc cho người người trên trái đất.

Ảnh minh họa

Trong cuộc sống này, với cộng đồng, với mỗi dòng họ, mỗi gia đình, mỗi cá nhân, niềm hạnh phúc trong trẻo nhất có lẽ chính là những đứa trẻ - thế hệ tiếp nối. Những ông bố, bà mẹ, những người ông, người bà và bao trùm hơn cả là cả xã hội luôn hướng đến và hành động để đem lại và đảm bảo hạnh phúc cho những đứa trẻ.

Mà niềm hạnh phúc của những đứa trẻ thì đâu có cao xa gì. Đó chỉ là được quyền  sống bình an, được ăn, được học, được chơi, được yêu thương... “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” – lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dặn dò như vậy. 

Trong cuộc sống hiện đại giờ đây, khi thế giới trở nên “phẳng phiu” với hệ thống mạng kết nối toàn cầu và lượng thông tin khổng lồ hàng ngày đổi thay, cập nhật với tốc độ chóng mặt thì niềm hạnh phúc của những đứa trẻ, bên cạnh những điều bình thường, có lẽ sẽ là “không bị xuất hiện” trên các tít báo. 

Đau lòng lắm khi ngày mỗi ngày trôi qua luôn phải đọc, phải nghe, phải chứng kiến những câu chuyện trẻ em bị cha mẹ đẻ hành hung đến thương tích; cô giáo “tặng” học trò 231 cái tát và buộc uống nước giặt giẻ lau; những ngôi trường cho trẻ ăn thịt bẩn, gà thối; những trẻ gái, trẻ trai bị yêu râu xanh xâm hại đến thương tật thân thể, hoảng loạn tinh thần... Có cảm tưởng như chẳng còn điều gì bất lương mà những “con quỷ đội lốt người lớn” kia không dám làm với trẻ em.  

Chỉ mới đây thôi, một bé gái 9 tuổi bị xâm hại và gã đàn ông yêu râu xanh đó để đạt được mục đích của mình đã dùng vũ lực để đạt được mục đích khiến cho nạn nhân rạn xương tay, gãy răng. Thế nhưng, cơ quan chức năng lại cho rằng đó là hành vi ít nghiêm trọng, thậm chí không cần bắt tạm giam.

Để đến nỗi người cha bé gái, đêm đêm nghe tiếng con mình thổn thức khóc vì sợ hãi, đã không kìm chế nổi mà phải thốt lên: “Tính răn đe của pháp luật bị coi thường. Sẽ còn biết bao nạn nhân phải chịu đau khổ như con gái tôi?”. Câu hỏi này cũng đã từng được rất nhiều ông bố, bà mẹ có con bị xâm hại đau khổ thốt lên tại chốn công đường, tại những cơ quan, tổ chức mà họ mang đơn đi lại nhiều lần để cầu cứu. 

Những người có câu trả lời rằng đây là hành vi ít nghiêm trọng hẳn đã quên, chỉ cách đây chưa đầy năm, một hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống xâm hại trẻ em đã được tổ chức với lời yêu cầu của chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng không được coi việc liên quan đến trẻ em là “chuyện con nít” để không làm hoặc làm hời hợt. Và sau đó là Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về việc ưu tiên, giải quyết xử lý các vụ án xâm hại trẻ em. 

Quay lại với Ngày Hạnh phúc 20/3 năm nay, như thường lệ đây là dịp để nhiều tỉnh thành Việt Nam tuyên truyền xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ; nêu gương người tốt việc tốt, các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc, phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, bạo lực với phụ nữ, trẻ em.  

Hạnh phúc của trẻ em ngày nay là gì? Câu hỏi tưởng xưa như trái đất đó lại một lần nữa được đặt ra vào ngày 20/3 này khi mà ước mơ của các em không phải chỉ là được bình yên lớn khôn và học hành nữa mà còn là “không bị xuất hiện trên các tít báo”. Ước mơ ấy so với cuộc đời to lớn này và những toan tính không giới hạn của người lớn thì thật là nhỏ nhoi. Thế nhưng, thực hiện được điều đó dường như khó lắm thay...

Theo Phapluatplus.vn


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đường sắt tăng hơn 20.000 chỗ để phục vụ người dân dịp nghỉ lễ 30-4

Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay được nghỉ đến 5 ngày. Dự báo nhu cầu hành khách đi lại tăng cao, đơn vị đã lập kế hoạch chạy thêm 43 chuyến tàu trên các tuyến khu vực phía Bắc. Theo đó, trên tuyến Hà Nội - Sài Gòn, chạy thêm 41 chuyến với khoảng 20.000 chỗ.