Xem nhiều

Trước kỳ thi vào lớp 10 năm học 2020-2021 tại Hà Nội: Nhiều lựa chọn cho học sinh

07/05/2020 16:29

Kinhte&Xahoi Nhằm giảm áp lực cho học sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 chỉ phải thi 3 môn, thay vì 4 môn như năm học trước. Cùng với đó, việc đa dạng loại hình học tập, tạo nhiều lựa chọn cho học sinh sau khi học hết lớp 9 cũng được triển khai. Nắm rõ quyền lợi học tập để không bỏ lỡ cơ hội học tập là điều mà học sinh cần lưu ý.

Học sinh lớp 9A7 Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) tích cực học tập và tìm hiểu quy định liên quan đến kỳ thi vào lớp 10 ngay từ những ngày đầu trở lại trường học. Ảnh: Minh Đức

Đa dạng loại hình học tập

Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, trong tổng số hơn 107.000 học sinh dự kiến xét tốt nghiệp trung học cơ sở, chỉ tiêu vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập chiếm 62% (khoảng 66.500 học sinh). Với khoảng 40.700 học sinh còn lại, thành phố dự kiến phân luồng vào học tại nhiều loại hình học tập.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, các loại hình học tập trên địa bàn thành phố hiện nay rất đa dạng, bảo đảm đáp ứng mọi nhu cầu học tập của học sinh. Ngoài hệ thống các trường trung học phổ thông công lập, học sinh có thể theo học tại các trường trung học phổ thông công lập tự chủ tài chính, trường trung học phổ thông ngoài công lập hoặc tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

Tại Quyết định số 1612/QĐ-UBND do UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 17-4-2020 về việc phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2020-2021, quy định rõ: Tỷ lệ học sinh tuyển vào các trường ngoài công lập chiếm 20%, vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chiếm 7,5%, vào các trường nghề chiếm 7,9%...

Đón nhận thông tin trên, bà Trần Thị Tuyết Mai, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Thạch Bàn (quận Long Biên) nói: "Con tôi đang học lớp 9, vợ chồng tôi đang làm việc ở khu công nghiệp. Tôi từng rất lo lắng vì gia đình lại chưa có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, nên không biết con tôi có đủ điều kiện học tại các trường trung học phổ thông ở Hà Nội hay không. Gia đình tôi đã dự tính năm học tới sẽ chuyển con về quê học trung học phổ thông. Nhưng giờ gia đình có thể yên tâm vì con tôi vẫn có thể học tập ở Hà Nội, tiện cho chúng tôi chăm sóc, quản lý...".

Nắm rõ quyền lợi

Việc đa dạng loại hình, tạo nhiều lựa chọn cho học sinh sau khi học hết lớp 9 được triển khai sẽ góp phần giúp học sinh không bỏ lỡ cơ hội học tập.

Thời điểm này, khi học sinh đã quay trở lại trường học sau thời gian tạm nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19, ngoài việc tập trung học tập, các em cần lưu ý đến các quy định liên quan đến công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021, nắm rõ quyền lợi để cân nhắc, lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất.

Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường trung học phổ thông ngoài công lập được chủ động quyết định lựa chọn một trong hai phương thức tuyển sinh vào lớp 10 là sử dụng kết quả kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông công lập hoặc xét học bạ cấp trung học cơ sở; hoặc có thể sử dụng đồng thời cả hai phương thức. Năm học trước, toàn thành phố có hơn 80% số trường ngoài công lập xét học bạ để tuyển sinh.

Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm) là một trong hơn 100 trường ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội vừa công bố sẽ xét học bạ cấp trung học cơ sở để tuyển học sinh vào lớp 10. Học sinh cũng có thể sử dụng tổng điểm 3 môn thi vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập để dự tuyển vào trường.

Học sinh ở khu vực ngoại thành cũng có nhiều lựa chọn. Theo ông Hoàng Hữu Niềm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học phổ thông Kinh Đô và Trường Trung học phổ thông Ngô Tất Tố (huyện Đông Anh), trường tuyển học sinh toàn thành phố, kể cả học sinh không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.

Học sinh cũng có thể lựa chọn học lớp 10 tại 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đan Phượng (huyện Đan Phượng) cho biết, ưu thế của học sinh trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là được học văn hóa song song với học nghề, khi tốt nghiệp được cấp hai bằng và có thể đi làm ngay. Đây là một lựa chọn tốt đối với những học sinh mong muốn sớm có việc làm và hoàn thiện trình độ học vấn.

Bà Nguyễn Thị Diệp Hồng, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định: Công tác dạy học, kiểm tra, đánh giá và các yêu cầu về chất lượng đội ngũ giáo viên tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được thực hiện tương tự như tại các trường trung học phổ thông. Học sinh dù theo học hệ nào cũng được cấp cùng một loại bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, có nội dung và giá trị như nhau. Tùy theo năng lực và điều kiện cụ thể của gia đình và cá nhân, học sinh có thể tham khảo, lựa chọn con đường học tập phù hợp, sau khi học xong lớp 9.

Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2020-2021 tại Hà Nội diễn ra vào ngày 17 và 18-7-2020. Nếu học sinh không đủ điều kiện dự tuyển hoặc có lựa chọn học lớp 10 tại các trường ngoài công lập hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, thì nộp hồ sơ dự tuyển tại trường từ ngày 1-7 đến 31-7-2020.
 
Dự kiến, học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 năm học 2020-2021 vào tháng 6-2020. Trong tháng 5-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ phát hành cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông thành phố Hà Nội năm học 2020-2021”. Học sinh có thể tìm hiểu các thông tin về phương án tuyển sinh của từng loại hình trường, điểm chuẩn vào lớp 10 trường công lập trong những năm học gần đây và cách chọn, đăng ký nguyện vọng dự tuyển...

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Tuyen-sinh/966686/truoc-ky-thi-vao-lop-10-nam-hoc-2020-2021-tai-ha-noi-nhieu-lua-chon-cho-hoc-sinh?fbclid=IwAR2679YP91Ji3NlZ3Rz4Kz7oIug_x4ZTVJ72Rlzjsp8MGOM1Thnbr72NtUc

Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com