Điều đáng nói là ca bệnh ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non. Do đó, nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng rất cao nếu các trường học, đặc biệt là các cơ sở mầm non, nhóm trẻ gia đình không thực hiện triệt để các khuyến cáo phòng bệnh của ngành Y tế.
Cán bộ y tế quận Hai Bà Trưng kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại trường học trên địa bàn.
Trên 90% trường hợp mắc bệnh là trẻ dưới 5 tuổi
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã ghi nhận 10.196 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, các tỉnh khu vực phía Nam có trên 7.500 ca (chiếm 74,1% tổng số ca mắc tay chân miệng của cả nước), tiếp đến là miền Bắc có trên 1.300 ca, miền Trung có 1.000 ca và khu vực Tây Nguyên ghi nhận số ca mắc ít nhất với 200 ca.
Tại Hà Nội, số ca tay chân miệng đang gia tăng trong 3 tuần liên tiếp vừa qua. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nếu như trong 2 tuần cuối tháng 3-2024, trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận 60-70 ca tay chân miệng/tuần thì đến tuần đầu tháng 4-2024 đã tăng lên hơn 120 ca/tuần. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 424 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2023). Trong số những quận, huyện có nhiều bệnh nhân tay chân miệng từ đầu năm đến nay, dẫn đầu là quận Nam Từ Liêm với 50 ca, tiếp đến là quận Hà Đông với 39 ca, huyện Thanh Trì có 30 ca… Ngoài ra, thành phố cũng đã ghi nhận 6 ổ dịch tay chân miệng, trong đó có 3 ổ dịch tại các trường mầm non: Chu Minh (huyện Ba Vì), Hồng Phúc (huyện Đông Anh) và Tuổi Hoa (quận Hoàn Kiếm).
Đến thời điểm này, cả nước chưa ghi nhận ca tử vong do bệnh tay chân miệng. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Hoàng Minh Đức cho biết, số ca mắc bệnh chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non và có trên 90% trường hợp mắc bệnh là trẻ dưới 5 tuổi. “Tay chân miệng đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, trong khi bệnh này lây truyền chủ yếu theo đường tiêu hóa, từ nước bọt, nốt phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Những đặc điểm này dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh rất cao khi trẻ sinh hoạt tập thể tại cơ sở giáo dục mầm non. Thế nhưng, công tác phối hợp, giám sát phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục mầm non lại chưa hiệu quả...”, ông Hoàng Minh Đức nhận định.
Bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cảnh báo, bệnh tay chân miệng có một thể lâm sàng gọi là tối cấp diễn tiến rất nhanh với các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê và dẫn đến tử vong chỉ trong vòng 24-48 giờ. “Bệnh viện tiếp nhận một số trẻ ngày đầu khi mắc bệnh, bố mẹ đã cho dùng kháng sinh, hạ sốt, chống nôn. Việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh tay chân miệng do vi rút gây ra là không đúng. Kháng sinh chỉ có tác dụng điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra. Trường hợp trẻ mắc tay chân miệng mà kết quả xét nghiệm có viêm nhiễm do vi khuẩn thì bác sĩ mới cân nhắc kê kháng sinh điều trị. Do đó, cha mẹ tuyệt đối không tự ý điều trị kháng sinh cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ Trần Thị Kim Anh lưu ý.
Hướng dẫn cơ sở giáo dục các biện pháp phòng bệnh
Bộ Y tế nhận định, trong giai đoạn chuyển mùa hiện nay, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho bệnh tay chân miệng có thể bùng phát, gia tăng ca mắc. Bộ Y tế đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội chủ động phối hợp với ngành Y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, đặc biệt tập trung vào các khu vực có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, kiểm soát sự gia tăng số ca mắc mới và không để xảy ra tử vong, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu, CDC Hà Nội tiếp tục tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch tay chân miệng cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã. Trong đó, lưu ý các biện pháp phòng, chống cũng như vệ sinh khử khuẩn tại các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ... Bên cạnh đó, CDC thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện việc triển khai phòng, chống dịch. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch tay chân miệng trong trường học.
“Các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập phải bảo đảm đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về các phác đồ cấp cứu cũng như điều trị tay chân miệng. Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh cần phối hợp chặt chẽ với CDC Hà Nội và Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn trong việc thông báo, trao đổi thông tin về các trường hợp mắc bệnh để chủ động giám sát, xử lý dịch tại cộng đồng, trong đó có các cơ sở giáo dục”, ông Vũ Cao Cương nhấn mạnh.
Thu Trang - Hà Nội mới