Từ 1/10 điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số

28/09/2019 10:01

Kinhte&Xahoi Cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 sẽ được Tổng cục Thống kê tiến hành từ ngày 1 - 31/10/2019.

Ảnh minh họa

Mục đích của điều tra nhằm phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu về công tác dân tộc, phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.

Số liệu thống kê còn dùng làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Đối tượng điều tra gồm: Nhân khẩu thực tế thường trú tại các hộ dân cư người dân tộc thiểu số tính đến thời điểm điều tra; các trường hợp chết của các thành viên trong hộ dân tộc thiểu số; điều kiện kinh tế - xã hội và nhà ở của hộ dân tộc thiểu số; tình hình kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục của các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I, II và III (theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017) và các xã, phường, thị trấn không thuộc các khu vực trên nhưng có địa bàn vùng dân tộc thiểu số.

Phạm vi điều tra được thực hiện tại 54 tỉnh, thành (gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi và 3 địa phương có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống: TP Hồ Chí Minh, Long An và Bình Dương), tại 440 huyện và tại 5.464 xã. Tổng số địa bàn điều tra được chọn là 14.659 địa bàn. Tổng số hộ được chọn điều tra là 540.740 hộ.

Thời gian thu thập thông tin tại các địa bàn bắt đầu từ 1/10/2019 và kết thúc chậm nhất vào 31/10/2019. Dự kiến, từ tháng 7-12/2020, Ủy ban Dân tộc phối hợp Tổng cục Thống kê xây dựng cơ sở dữ liệu dân tộc thiểu số, các báo cáo phân tích chuyên đề và bản đồ Atlas.

 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Loại trừ tin giả, tin xấu?

Những ngày gần đây, liên tiếp xảy ra các sự cố gây sự chú ý của mọi người và không ít những bình luận cực đoan, gây hoang mang dư luận.

Làn đường ưu tiên cho xe buýt ở Hà Nội liệu có khả thi?

Mới đây, thành phố Hà Nội đưa ra kế hoạch tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt trên nhiều tuyến đường vào năm 2020. Một số chuyên gia e ngại kế hoạch trên quá sớm, sẽ khiến giao thông đô thị thêm ùn tắc. Ngược lại có ý kiến cho rằng, chủ trương phân đường dành cho xe buýt hoàn toàn đúng, triển khai càng nhanh càng tốt.

Nguồn: Pháp luật Plus