Thủ tướng Phạm Minh Chính, chủ trì cuộc họp khẩn ứng phó với bão số 4 sáng 27/9 (Nguồn danang.gov)
UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản ứng phó với cơn bão Noru (bão số 4). Theo đó, để đảm bảo an toàn, TP yêu cầu người dân (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ) không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20h ngày 27/9 đến khi có thông báo tiếp theo.
Đồng thời, thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị tuyệt đối không để người ở lại trên các trên tàu cá, lán trại tạm công trình đang xây dựng từ 14h ngày 27/9 cho đến khi có tin cuối cùng về cơn bão số 4.
Các đơn vị, địa phương tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vùng núi, vùng ven sông, ven suối, ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng đến nơi an toàn, hoàn thành trước 14h ngày 27/9.
Thủ tướng họp khẩn chỉ đạo ứng phó
Trong sáng 27/9, cuộc họp ứng phó bão số 4 (bão Noru) do Thủ tướng Chính phủ chủ trì được kết nối trực tiếp với 8 địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng chịu ảnh hưởng của bão: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum; 88 quận, huyện, thị xã; 1.155 xã, phường, thị trấn.
Chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh và lãnh đạo HĐND, UBMTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng.
Chủ trì điểm cầu Đà Nẵng có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan (Nguồn danang.gov)
Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú, kêu gọi ngư dân không đánh bắt trong những ngày này; Kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; Bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; Bảo vệ học sinh, khách du lịch; Bảo vệ di sản, nhất là phố cổ Hội An...
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo, các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thời tiết thế nào, như khi trước bão thì có thể trời quang, mây tạnh; Không để bị động, bất ngờ gây thiệt hại tính mạng và tài sản người dân, không hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, theo dự báo của các cơ quan chức năng, cơn bão số 4 diễn biến phức tạp, tăng 2 cấp so với ngày hôm qua, cường độ mạnh, di chuyển nhanh trong khi khả năng ứng phó còn có những hạn chế.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ nhất trí với quan điểm công tác phòng chống bão phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn 1 cấp” để có sự chủ động chuẩn bị, nếu chuẩn bị tốt thì khi cơn bão đổ bộ với cường độ mạnh hơn dự kiến thì vẫn bảo đảm an toàn, ngược lại nếu bão đổ bộ mạnh hơn dự kiến mà không chuẩn bị tốt thì thiệt hại sẽ lớn.
Cấm lưu thông một số cầu, hầm, tuyến đường
Để bảo đảm an toàn giao thông trước ảnh hưởng của bão số 4 (Noru), Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng sẽ triển khai phương án cấm lưu thông một số cầu, hầm, tuyến đường.
Cụ thể, đối với các cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Phò Nam và cầu vượt Ngã ba Huế, áp dụng hương án cấm lưu thông theo các cấp độ gió. Khi gió đạt cấp 6 (tương ứng vận tốc từ 10,8 đến 13,8 m/s) tổ chức chốt hai đầu cầu, cảnh báo người dân nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông khi qua các cầu.
Đà Nẵng sẽ triển khai phương án cấm lưu thông một số cầu, hầm, tuyến đường theo các cấp gió của bão Noru (Ảnh Đ.Minh)
Khi gió đạt cấp 7 (tương ứng vận tốc từ 13,9 đến 17,1 m/s) cấm tất cả các loại phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ lưu thông qua cầu Thuận Phước và xem xét tình hình lưu thông qua các cầu khác để triển khai phương án cấm xe mô tô, xe máy.
Khi gió đạt cấp 10 (tương ứng vận tốc từ 24,5 đến 28,4 m/s) tiến hành phong tỏa, cấm tất cả các loại phương tiện qua các cầu. Sở GTVT thành phố đề nghị Công an thành phố, UBND các quận, huyện chỉ đạo Công an các quận, huyện bố trí lực lượng chốt chặn, hướng dẫn bảo đảm giao thông.
Công ty Cổ phần Cầu đường, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và dịch vụ Linh Sương có trách nhiệm theo dõi cấp gió thực tế tại các trạm quan trắc gió đặt tại cầu Thuận Phước và cầu Trần Thị Lý, cầu vượt Ngã ba Huế; chuẩn bị nhân lực, phương tiện, thiết bị, hàng rào (kịp thời chặn 2 đầu cầu) để phối hợp với các lực lượng Công an, UBND các quận, phường triển khai ngăn cầu.
Đối với các hầm chui tại nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, nút phía Tây cầu Sông Hàn, khi có sự cố ngập nước, cấm các phương tiện lưu thông để bảo đảm an toàn, đề nghị lực lượng chức năng bố trí lực lượng chốt chặn, hướng dẫn bảo đảm giao thông.
Lực lượng Công an TP Đà Nẵng trắng đêm hỗ trợ, giúp người dân ứng phó với bão (Nguồn danang.gov)
Bên cạnh đó, Sở GTVT TP Đà Nẵng yêu cầu các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên (đối với hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương); BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (đối với cụm nút giao phía tây cầu Trần Thị Lý) nạo vét hệ thống thu nước, hố ga, lưới chắn rác, kiểm tra toàn bộ thiết bị bơm, các máy bơm dự phòng, hệ thống phát điện, máy phát điện dự phòng để bảo đảm hệ thống bơm hoạt động liên tục.
Ngoài ra, các đơn vị bố trí nhân sự trực thường xuyên, có mặt tại nhà điều hành kết hợp theo dõi qua phần mềm giám sát hoạt động các trạm bơm; Chuẩn bị sẵn sàng barrie để chốt chặn 2 đầu hầm, bố trí lực lượng bảo đảm an toàn giao thông khi xảy ra tình trạng nước ngập trong hầm.
Riêng đối với hầm chui nút giao phía Tây cầu sông Hàn, Công ty Cổ phần Cầu đường, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông thực hiện theo chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải tại Công văn số 3910/SGTVT-QLKCHT ngày 24-9-2022.
Đối với một số tuyến đường ven biển như Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tất Thành và các đoạn tuyến gần các khu vực nhà cao tầng Trung tâm hành chính thành phố, (đường Trần Phú), khách sạn Novotel (đường Bạch Đằng), chung cư Hoàng Anh Gia Lai (đường Hàm Nghi), chung cư Azura (đường Trần Hưng Đạo), tòa nhà Indochina (đường Bạch Đằng)… trong thời gian gió lớn sẽ gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.
UBND thành phố đề nghị UBND các quận: Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương phối hợp các lực lượng công an cảnh báo người dân, hướng dẫn, điều tiết các phương tiện lưu thông theo các tuyến đường khác để bảo đảm an toàn giao thông.
Đoàn Minh - TTTĐ