Dù thời gian có phôi pha nhưng ký ức 56 ngày, đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” mãi vẹn nguyên trong tâm khảm mỗi người. Tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường của họ sẽ là niềm tự hào, là hành trang để tuổi trẻ hôm nay bước tiếp...
Cựu thanh niên xung phong Trần Khắc Lộng (quận Hoàng Mai) thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1 (tỉnh Điện Biên).
Chí không mòn
Khi tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, cô thôn nữ ở thôn Phù Liễn, xã Bắc Hồng (huyện Đông Anh) Dương Thị Cách mới bước vào tuổi hai mươi. Với sức trẻ và lòng yêu nước, cô cùng đồng đội không quản ngày, đêm, vượt thử thách “gió núi, mưa rừng” thực hiện nhiệm vụ tải gạo và vật tư hậu cần phục vụ chiến dịch.
“Năm 1950-1953, tôi tham gia hoạt động du kích ở địa phương. Từ tháng 10-1953 đến tháng 1-1954, tôi được cử tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ chính của dân công hỏa tuyến lúc ấy là tải gạo và vật tư hậu cần phục vụ chiến dịch. Do đặc thù của cuộc chiến nên chúng tôi chủ yếu vận chuyển gạo vào ban đêm. Mỗi người được cấp một chiếc đèn pin, trèo đèo, lội suối, men theo sườn núi để tránh máy bay địch bắn phá nên rất vất vả”, bà Dương Thị Cách nhớ lại.
Với Thiếu tướng Nguyễn Tụ, nguyên Phó Giám đốc - Bí thư Đảng ủy Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), hiện ở phường Nam Đồng (quận Đống Đa), dù 56 ngày đêm chiến đấu nơi lòng chảo Điện Biên Phủ đã trôi qua rất lâu, nhưng thời gian trực tiếp tham gia cứu chữa thương binh, bệnh binh cho Đại đoàn 316 đã để lại những dấu ấn trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Trong chiến dịch này, Đại đoàn 316 được giao nhiệm vụ đánh đồi A1, C1, C2. Khi trận đánh ở đồi A1, C2 chưa thành công thì cả ngày và đêm 31-3-1954, bộ phận tiền phương của Đội điều trị Đại đoàn 316 đã phải thu dung tới gần 1.000 thương binh.
“Đội quân y dã chiến được bố trí trong những căn hầm hình chữ V chật chội, cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu thốn. Song, với tinh thần trách nhiệm cao, chỉ trong 5 ngày đêm liên tục phẫu thuật cấp cứu, vận chuyển, chúng tôi đã điều trị kịp thời gần 30% thương binh nhẹ để bổ sung lực lượng chiến đấu cho cứ điểm”, Thiếu tướng Nguyễn Tụ chia sẻ.
Trực tiếp tham gia trong đội hình bộ đội chủ lực tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Lê Văn Nhân, hiện ở phường Mộ Lao (quận Hà Đông) nhớ lại: “Sau 2 tháng huấn luyện, tôi được biên chế về Đại hội 17, Tiểu đoàn 564, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Là đơn vị chủ lực, đơn vị tôi được trang bị các loại hỏa lực mạnh, bảo đảm “chắc đánh, chắc thắng”, tinh thần quyết tâm chiến đấu của anh em rất cao”.
Để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào các cứ điểm của địch, đơn vị ông phải đào hầm, đào hào, đào công sự rất vất vả, làm việc không quản ngày, đêm, thậm chí ăn, ngủ tại chiến hào. Tuy nhiên, với tinh thần “gan không núng, chí không mòn”, ông Nhân cùng đồng đội đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và sẵn sàng chờ lệnh bước vào chiến dịch…
Nằm trong đội hình của Đại đoàn 308, cựu chiến binh Nguyễn Thụ, hiện ở phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng) đã cùng đồng đội trực tiếp chiến đấu tại đồi A1. “Bước sang đợt tiến công thứ 2, ngay trong đêm 30-3-1954, quân ta đồng loạt đánh vào 5 ngọn đồi ở phía Đông Mường Thanh là A1, C1, C2, D, E. Đêm ấy, quân ta diệt gọn 3 cứ điểm C2, D, E; còn đồi C1, A1 hai bên giằng co, mỗi bên giữ một nửa và kéo dài cả tháng trời”, cựu chiến binh Nguyễn Thụ hồi tưởng. Sau trận chiến đấu này, ông và một đồng đội nữa được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ
Cùng cả nước “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã tổ chức hàng nghìn trận đánh lớn, đánh nhỏ ở các huyện ngoại thành, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực, vũ khí, khí tài của địch. Hà Nội còn có 1.697 bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến ngày toàn thắng.
Trong đợt cao điểm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay, nhiều cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các lực lượng khác từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ sinh sống tại Thủ đô Hà Nội đang nhận được sự tri ân, quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, thành phố và địa phương. Có mặt trong đoàn đại biểu của thành phố Hà Nội trở lại tỉnh Điện Biên dự chương trình tri ân do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức, cựu thanh niên xung phong Trần Khắc Lộng, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Nhận được sự tri ân của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thăm lại chiến trường xưa, càng tự hào với những đóng góp của bản thân, tôi càng thấy mình phải sống tốt hơn nữa để không hổ thẹn với sự hy sinh của những đồng đội mãi mãi nằm lại nơi đây…”.
Còn với cựu thanh niên xung phong Lê Văn Minh, phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), mỗi khi nhớ lại những ngày tháng phục vụ chiến đấu nơi chiến trường Tây Bắc, ông vẫn không thể quên được sự khốc liệt của cuộc chiến.
“Sự khó khăn, vất vả của chiến tranh đã giúp chúng tôi trưởng thành hơn nhiều. Đặc biệt, sự tri ân, quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương dành cho những người có công với cách mạng chính là nguồn động viên lớn giúp chúng tôi tiếp tục sống khỏe để chứng kiến sự đổi thay từng ngày của Thủ đô, đất nước và là chỗ dựa vững chắc cho con cháu noi theo”, ông Lê Văn Minh chia sẻ.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… trên địa bàn Thủ đô Hà Nội tiếp tục có những đóng góp trong chặng đường đầy gian lao, thử thách để thống nhất đất nước, cũng nhiều người trở về với đời thường xây dựng quê hương. Dù ở cương vị khác nhau, họ vẫn phát huy tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” năm xưa, gương mẫu đi đầu trên nhiều lĩnh vực. Họ thực sự là những tấm gương sáng, là viên ngọc quý cho Tổ quốc và nhân dân, đặc biệt là cho thế hệ trẻ noi theo.
Hiền Phương - Hà Nội mới