Dư luận kịp thời phản ánh
Những ngày qua, trên mạng xã hội và báo chí lan truyền những hình ảnh và thông tin liên quan tới ngôi đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) đang diễn ra quá trình sửa chữa, xây dựng: Toàn bộ bậc thềm, nền đá được tháo dỡ, một cây đa nhiều năm tuổi bị chặt bỏ, cảnh tượng ngổn ngang.
Cây đa còn trơ gốc rễ ở đình Chèm
Việc khiến nhiều người sững sờ, thậm chí bức xúc chính là cây đa to, một phần làm nên cảnh quan rất đẹp của ngôi đình đã bị chặt hạ còn trơ gốc rễ. Đình Chèm cùng với hội đình Chèm được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao của Lý Ông Trọng đã trở thành một điểm đến thơ mộng, trữ tình, một không gian đậm nét “cây đa, bến nước, ngôi đình” của làng quê Việt.
Rất nhiều người vì hình ảnh này mà tìm đến đây, tận hưởng không gian khoáng đạt, cổ kính, tưởng như thời gian ngưng đọng tại nơi này. Nhiều MV, VCD của các nghệ sĩ thuộc bộ môn nghệ thuật truyền thống đã được ghi hình tại đây, góp phần làm giá trị di tích, cảnh vật và nghệ thuật cùng thăng hoa, ánh lên những nét đẹp vượt thời gian.
Đặc biệt, khi mà phố phường với tốc độ đô thị hóa “phi mã” như hiện nay thì nằm không xa trung tâm thành phố, một di tích với cảnh quan như thế này rất xứng đáng được mọi người trầm trồ, trân trọng.
Thế nên, việc cây đa bị chặt hạ ngay lập tức trở thành một “làn sóng” khá dữ dội trong dư luận. Bởi vóc dáng và vẻ hữu tình của cây đa với mái đình ăn sâu vào tiềm thức mà người ta xót xa, tiếc nuối.
Theo tìm hiểu, được biết, dù cây đa rất cao lớn nhưng các cụ cao niên thuộc Ban khánh tiết đình Chèm cho biết, cây đa này mới được trồng từ năm 1998 để lấy bóng mát, thuộc loại đa đỏ (đa Ấn Độ). Đây không phải cây cổ thụ hay cây di sản, không có trong hồ sơ xếp hạng di tích, đồng thời không phù hợp cây đô thị.
Năm 2021, trong mùa mưa bão cây đa này đã gãy 1/3 về phía 4 cột đồng trụ và làm gãy một phần của một trong 4 cột đồng trụ; Cây đa có hiện tượng nghiêng 25° về phía nghi môn nội (tàu tượng) và nghi môn ngoại (cột đồng trụ) của Đình Chèm.
Cây đa um tùm tỏa bóng đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người
Bên cạnh đó, rễ của cây đa hiện đã ăn sâu vào nền gạch nghi môn ngoại và chân cột đồng trụ gây bong tróc, nghiêng nứt sản và cột đồng trụ. Đồng thời, chặn một phần cống thoát nước của đình ra phía sông Hồng gây ngập ủng trong nội tự hằng năm.
Điều này cũng được đại diện lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm khẳng định tại buổi làm việc với Thanh tra Sở Văn hóa Hà Nội ngày 25/3.
Do lo ngại mùa mưa bão tới gần, Ban khánh tiết Đình Chèm cùng với các cụ cao niên, bô lão đã họp và thống nhất chặt hạ cây đa với ý thức để trả lại hiện trạng ban đầu với không gian kiến trúc cổ kính của ngôi đình Chèm đồng thời, bảo đảm an toàn cho Nhân dân và di tích.
Một lần nữa, dư luận đã kịp thời phản ánh để các cơ quan chức năng vào cuộc, cho thấy tính giám sát, lên tiếng của Nhân dân, các phương tiện truyền thông ngày càng tham gia vào công cuộc giữ gìn, bảo vệ không gian sống, đặc biệt là các di sản của chúng ta.
Sự việc đã được giải thích, dư luận phần nào “hạ nhiệt” song điều thiệt hại không thể khôi phục đấy là cây đa to lớn, góp phần tạo nên cảnh quan đẹp đặc biệt của đình Chèm đã không còn. Điều này là nỗi tiếc nuối khôn nguôi và để lại nhiều mệnh đề: Giá như, ước gì…
Ứng xử với di tích sao cho hài hòa?
Được biết, các hạng mục chỉnh trang, tu sửa Đình Chèm bao gồm: Chỉnh trang lại toàn bộ hệ thống tường rào, cây xanh chung quanh đình, chỉnh sửa lại ngói, hạ cốt sân trước và sân sau đình, bảo đảm trả lại nguyên vẹn Đình Chèm trước kia...
Nguồn vốn tu bổ từ ngân sách và một phần xã hội hóa. Dự kiến việc tu bổ hoàn thành vào tháng 4/2022. Việc tu bổ di tích đã thông qua Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội cũng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hình ảnh khiến người dân xót xa
Đại diện Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng cho biết, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện việc chặt hạ cây đa cũng như một số hạng mục tu sửa đình Chèm có sai phạm, không đúng quy định.
Riêng về việc chặt hạ cây đa nhiều năm tuổi nằm gần nghi môn ngoại (cột đồng trụ) của đình Chèm mà không xin phép cấp có thẩm quyền, cũng không ai cho phép chặt hạ cây trong khuôn viên khu di tích.
Cùng với đó, Ban Khánh tiết đình Chèm đã nhận khuyết điểm và xin rút kinh nghiệm. Ngoài ra, Ban Khánh tiết cũng đề xuất trong 10 năm tới sẽ trồng bổ sung các cây phù hợp với di tích (không trồng các loại cây ngoại lai).
Dư luận tiếp tục đặt ra câu hỏi, vậy thì bao nhiêu năm nữa đình Chèm mới có lại được một cây to lớn như thế, sẽ trồng ở đâu, tạo nên diện mạo tổng quan khi đó của đình Chèm như thế nào?
Liệu việc trồng cây mới ở đâu, là loại cây gì có được tham khảo, được sự đồng ý của các cơ quan chức năng và người có chuyên môn để tránh tình trạng phá vỡ phong thủy, tiếp tục ảnh hưởng đến công trình di tích như cây đa trước đây khi cây mới phát triển đến mức độ nhất định hay không?
Đó là một trong số những câu hỏi mà người dân, đặc biệt những người yêu quý không gian nơi đây, những người muốn níu giữ những nét đẹp truyền thống cho phố phường hiện đại.
Dư luận đặt ra câu hỏi: Biết bao nhiêu năm nữa đình Chèm mới lại có được một cây to và tạo nên cảnh quan tổng thể đẹp như xưa?
Theo ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì trước nay không có nhiều đề nghị chặt hạ, loại bỏ cây xanh trong các di tích. Trong hồ sơ dự án tu bổ, tôn tạo di tích do Bộ thẩm định, nhiều dự án đều có phương án di dời dịch chuyển dựa trên sự chủ động đề xuất của ban quản lý di tích và ngành văn hóa địa phương cho thấy cái cây đó cần thiết phải di dời.
Nếu đánh giá là cây bụi, cây mới, chủng loại cây không phù hợp với tính chất di tích thì cân nhắc giữa hiệu quả di dời với chặt bỏ xem phương án nào hiệu quả. Nếu cây có giá trị cảnh quan thì xem xét việc di dời để bảo vệ cảnh quan và hiệu quả về kinh tế. “Quan điểm nhất quán là phải đặt di sản lên trên hết”, ông Trần Đình Thành nhấn mạnh.
Về sự việc ở đình Chèm, theo ông Trần Đình Thành, hiện Cục đang chờ kết quả báo cáo từ Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội. Việc này cần thận trọng, cân nhắc và đánh giá tổng thể các khía cạnh. Sự việc đúng hay sai sẽ tiếp tục được cơ quan chức năng làm rõ.
Thiết nghĩ, đây cũng là bài học cho các đơn vị sở tại, cơ quan quản lý di tích, những đơn vị có liên quan trực tiếp đến việc thay đổi hiện trạng, tu sửa di tích. Bởi lẽ, ứng xử với những trường hợp như thế này, nếu không có sự nghiên cứu, bàn bạc, đồng ý của cơ quan chức năng, bộ phận có chuyên môn; Đồng thời thông báo rộng rãi, sòng phẳng, minh bạch, tránh để Nhân dân bất ngờ thì có nghĩa là việc tu sửa, tác động đến di tích vừa sai phạm vừa tạo nên sự búc xúc trong dư luận.
Nên chăng, các cơ quan chức năng cũng cần quản lý sát sao hơn để tránh tình trạng “ứ hự thì sự đã rồi”. Bởi như vậy thì thiệt thòi nhất vẫn là các di tích và chính người thụ hưởng di tích đó.
Đặc biệt, trong công cuộc xây dựng nền công nghiệp văn hóa mà Hà Nội đang tiến hành thì sự sòng phẳng, minh bạch là hết sức cần thiết để có thể bảo tồn và phát huy hết giá trị của những di tích trong dòng chảy hiện đại, góp phần đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, thúc đẩy du lịch và mang lại giá trị kinh tế cho Thủ đô.
Hương Thu - TTTĐ