Ảnh minh họa.
Công bằng mà nói vụ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đã làm “rung chuyển” cả hệ thống chính trị Việt Nam. Số cán bộ, công chức lãnh đạo có liên quan bị bắt ngày càng nhiều và dường như chưa dừng lại, bởi chống dịch COVID-19 tỉnh nào chẳng phải mua kit test. Mới đây nhất là việc xử lý kỷ luật, bắt tạm giam Bộ trưởng Y tế và Chủ tịch UBND TP Hà Nội vốn một thời là Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ. Như vậy là hai cán bộ “cấp chiến lược” do Trung ương quản lý đã dính lao lý vì Việt Á, chứ không phải chỉ cán bộ cấp thấp, do Bộ, tỉnh thành quản lý.
Hai ủy viên Trung ương bị khai trừ khỏi Đảng, bị tước hết chức vụ và bị khởi tố, bắt tạm giam là minh chứng cho tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn tham nhũng, tiêu cực của Đảng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư. Đó là điều làm nhân dân tin tưởng. Tuy nhiên, nó đồng thời cũng là nỗi đau lớn của công tác tổ chức cán bộ, phơi bày ra rất nhiều “khuyết tật”.
Chắc chắn, nhiều cơ quan quan trọng có trách nhiệm trong việc xây dựng hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước) và bảo vệ pháp luật sẽ còn phải nghiên cứu lâu dài; thậm chí đưa vào các học viện, trường học khác để dạy.
Liệu có chống triệt để được tình trạng “chạy chức, chạy quyền”; chống triệt để lên lãnh đạo qua quan hệ họ hàng, gia tộc, hậu duệ; chống lợi ích nhóm ngay trong bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý? Liệu có mở rộng cạnh tranh đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý. Liệu người dân có thực sự được huy động vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?
Rất nhiều câu hỏi đặt ra, trở thành “bài toán” không dễ có lời giải sau “quả bom” Việt Á. Nói về công tác cán bộ, Đảng đã có quy định về trách nhiệm nêu gương. Thế nhưng, thật khôi hài khi ở tỉnh nọ, ái nữa của vị Bí thư Tỉnh ủy lại được bổ nhiệm sai quy trình. Báo chí lên tiếng, Trung ương vào cuộc, quyết định bổ nhiệm mới được thu hồi. Tức là câu chuyện nói và làm ngay trong chính một con người, rất khó thống nhất.
Đại dịch COVID-19 là cuộc sát hạch toàn diện, trong đó có cả danh dự, liêm sỷ, phẩm giá cán bộ. Người ta có quyền nghi ngờ sức đề kháng của liêm chính trước sự mê hoặc của đồng tiền.
Nhìn lại tất cả các vụ án tham nhũng gần đây, từ việc đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán đấu thầu thiết bị y tế, vụ mua bán của MobiFone… sẽ thấy các vụ việc có nhiều điểm giống nhau. Đó là rất đúng các quy trình, có đầy đủ các cơ quan có chức năng định giá tham gia, nhiều người tham gia. Tuy nhiên, thiếu điểm quan trọng nhất, đó là minh bạch. Minh bạch phải là vaccine may ra mới chống được “virus lòng tham”.
Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus