Vẫn hăng say và yêu nghề “phu chữ” lắm…!

21/06/2022 10:00

Kinhte&Xahoi Nói về kỷ niệm nghề, cánh nhà báo chúng tôi có thể tuyển tập được hồi ký. Nhiều lắm, vui và cũng không ít vất vả, gian nan. Đấy là nhìn nhận của tôi – phóng viên chuyên theo dõi mảng Đoàn, Hội, giới trẻ, chứ chưa kể đến đồng nghiệp ở những lĩnh vực khác, khắc nghiệt hơn.

Dẫu vậy nhưng có lẽ ai trong chúng tôi còn “bám” nghề cũng vẫn hăng say và yêu nghề “phu chữ” lắm đấy. Tôi từng viết ra những trải nghiệm, “vùng nhớ” trong gần 13 năm làm báo của mình, đó là những chuyến đi gần- xa, những ngày miệt mài bên trang word, với deadline thời sự, những bài học để trưởng thành…

Nhân ngày của những người làm báo, chúng tôi lại có cơ hội “kể khổ” để bạn đọc thấu hiểu hơn “nghề đưa tin”.

Nhớ chuỗi ngày “nằm vùng” tình nguyện

Tôi nhớ mãi chuyến “nằm vùng” ở miền núi Bắc Xa – một xã biên giới nghèo thuộc huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn năm 2014. Đó là lần tôi đi tình nguyện “Mùa hè xanh” dài một tuần với Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội.

Tác giả trong chuyến công tác miền núi

Đến nay, dù 8 năm trôi qua nhưng tôi nhớ như nguyên buổi sáng sớm rời Thủ đô Hà Nội lên Lạng Sơn, trước đó là buổi đêm làm tin, bài cho chương trình lớn của Thành đoàn Hà Nội đến 2 giờ sáng mới gấp máy tính lại. Dù thức khuya, 5 giờ lại xách ba lô lên đường nhưng vẫn tràn đầy năng lượng, tôi cùng các bạn sinh viên, thanh niên tình nguyện hành trình gần 300 cây số đường rừng núi hiểm trở đến với Bắc Xa.

Xã Bắc Xa cách trung tâm huyện Đình Lập gần 40 cây số nhưng tuyến đường sau những ngày mưa bị sạt lở đất nên việc đi lại rất khó khăn. Giữa giờ trưa, khi đã thấm mệt, đoàn chúng tôi phải xuống xe đi nhờ ô tô chuyên tuyến của người dân ở đây mới có thể tới được xã. Đợi chờ, chuyển đồ đạc cồng kềnh giữa cái nắng oi ả và mưa đột ngột, ăn bát mì tôm giữa đồi núi để lấy sức đi tiếp chặng đường phía trước nhưng không làm nhạt phai ý chí của những “chiến sĩ áo xanh” tuổi mười tám, đôi mươi.

Ngay sau khi tới xã Bắc Xa, đoàn tình nguyện bắt tay vào dọn dẹp vệ sinh môi trường, làm đường liên thôn. Trong tiết trời nóng như đổ lửa, tình nguyện Thủ đô vẫn hồ hởi san lấp, đắp nền, trải bê tông… làm đường, xây sân trường, trang trí trường mầm non. Suốt một tuần, mỗi buổi tối, đoàn tình nguyện còn tổ chức sinh hoạt Đoàn, tập múa, hát cho các em thiếu nhi và thanh niên trong làng. Dẫu vất vả nhưng ai cũng vui.

Tác giả trong một chương trình của tuổi trẻ Thủ đô

Trong đoàn chỉ có tôi là phóng viên còn lại là các bạn sinh viên, cán bộ Đoàn, thanh niên thuộc Thành đoàn Hà Nội. Ăn ở, sinh hoạt và làm việc cùng họ, tôi hiểu được tâm tư, tình cảm của các bạn trẻ. Dù phải ở trong hoàn cảnh cơ sở vật chất khó khăn, họ vẫn hát hò vui vẻ và làm việc bằng nhiệt huyết, sức trẻ. Họ tự hào bởi thực sự được trải nghiệm và góp một phần công sức bé nhỏ giúp đỡ đồng bào và tôi cũng thấy vui vì mình làm được điều như họ.

Những chuyến công tác không bao giờ quên

Nhớ nhất những ngày chập chững vào nghề, có lẽ ai cũng vậy không chỉ riêng tôi. Đó là hành trình đến huyện đảo Cô Tô - tỉnh Quảng Ninh. Chuyến công tác đầu tiên khiến tôi cả đêm trước trằn trọc không ngủ và nay vẫn khắc ghi sâu sắc trong trí nhớ.

Cô Tô ngày ấy chưa có điện lưới, chỉ phát theo giờ. 5 ngày công tác tại đảo, phóng viên chúng tôi vừa chạy sự kiện, vừa “đuổi theo” điện. Nhớ lúc ngồi trên tàu giữa biển khơi mênh mông, chúng tôi vẫn tranh thủ làm tin bài để kịp giờ gửi về tòa soạn, đến anh phóng viên quân đội còn say sóng và tôi cũng không thoát.

Tác giả cùng đồng nghiệp trong một chuyến công tác ở vùng cao Tây Bắc

Sau chuyến công tác đầu tiên ấy, tôi hiểu rằng, dấn thân vào nghề báo là gắn với những chuyến đi không ít gian nan, với món nợ chữ nghĩa hàng ngày, hàng giờ, với áp lực tin, bài, sự cẩn thận trong từng câu chữ, chi tiết, hình ảnh… mà nếu bản thân không chiến thắng được sẽ phải tự đầu hàng…

Rồi những chuyến công tác vùng biên, hàng năm, Trung ương Đoàn tổ chức các chương trình hướng về biên giới, hải đảo, chẳng hạn như “Chia sẻ cùng thầy cô”, “Tháng Ba biên giới”… là “phóng viên Đoàn”, chúng tôi lại được huy động lên đường. Có lúc xuất phát từ Thủ đô khi mặt trời chưa mọc, đến địa bàn khi mặt trời đã tắt. Vừa chạm chân xuống mặt đất đã nhanh chóng ghi hình, chụp ảnh, phỏng vấn… Xong bữa cơm là luôn tay gõ bài, thậm chí quên ăn. Kể ra, cánh phóng viên cũng khoẻ thật nhưng hơn cả sức khoẻ, với tôi đó là sự cố gắng, là ý thức về trách nhiệm và niềm đam mê nghề báo vẫn đong đầy.

Tất cả chuyến đi, những trải nghiệm tác nghiệp, tôi đều ghi lại, không chỉ phục vụ bài viết nộp về tòa soạn mà còn để mải mê ngắm nghía những lúc bản thân hoài niệm. Nụ cười trẻ thơ vô tư hồn nhiên trên gương mặt đen sạm vì cháy nắng của các em, đồng bào nghèo, hay hình ảnh của tình nguyện viên áo xanh đẫm mồ hôi, cả hình ảnh của đồng nghiệp và chính mình hối hả, vội vã tác nghiệp… sẽ còn mãi trong kí ức của tôi. Để rồi, chính bản thân tôi có thêm động lực mạnh mẽ, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ người đưa tin, truyền đi hình ảnh, thông điệp đẹp ấy đến đông đảo bạn đọc.

 Lê Dung - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

WHO cảnh báo về bệnh sốt xuất huyết Dengue

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm nặng, đôi khi có thể dẫn tới biến chứng và gây tử vong được gọi là sốt xuất huyết Dengue nặng.

Phát huy hơn nữa vai trò và sức sáng tạo của báo chí Thủ đô

Với vai trò là một kênh thông tin quan trọng đáp ứng yêu cầu của quá trình xây dựng và phát triển thành phố, báo chí Thủ đô đã tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền, phát huy mạnh mẽ vai trò định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội. Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm phát huy vai trò, sức sáng tạo của báo chí nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố Hà Nội.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/van-hang-say-va-yeu-nghe-phu-chu-lam-199254.html