Dòng chảy ngày càng mạnh mẽ
Có thể nói, những ngày hôm nay đây, bằng nỗ lực của chính quyền, bằng sự đồng lòng nhất trí của toàn thể Nhân dân, văn hóa Hà Nội đang được chúng ta tiếp bước, phát triển một cách rực rỡ, nâng tầm, trở thành dòng chảy ngày càng mạnh mẽ tiến về tương lai với những thành quả rất đáng tự hào.
Cách đây 68 năm, ngày 10/10/1954 - Ngày Giải phóng Thủ đô đã đi vào lịch sử như một mốc son đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển cho Thủ đô và đất nước. Đối với Hà Nội, đây còn là mốc dấu vô cùng to lớn bởi từ đây, những giá trị, đặc biệt là văn hóa của Thủ đô một nước Xã hội chủ nghĩa được chúng ta xây đắp rất dày công và bền bỉ.
Văn hóa Hà Nội - những vốn quý trao truyền qua các thế hệ
Theo các tài liệu, ngay trong những ngày đầu tiên trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Thực hiện lời dạy của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội tiếp tục lập nên những chiến công cả trên mặt trận chống quân xâm lược và mặt trận lao động sản xuất…
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, văn hóa Hà Nội đã có nhiều sự thay đổi, gặt hái những thành tựu và xác lập được giá trị vững bền của mình trong thời đại mới. Có được điều đó là bởi chính quyền và Nhân dân Hà Nội tiếp tục xác định rõ phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Điều này thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Mục tiêu của chúng ta là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, tôn trọng pháp luật; Khơi dậy lòng tự hào, tình yêu Hà Nội và ý chí khát vọng vươn lên của Nhân dân Thủ đô.
Trong Chương trình Phát triển văn hóa; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025 chỉ rõ các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước và Thủ đô. Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong sự đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Phát triển văn hoá Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến, là trung tâm văn hoá lớn của cả nướ
Phát triển văn hoá vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hoá. Trong xây dựng văn hoá, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, thanh lịch, văn minh. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hoá trong đó chú trọng vai trò của gia đình và cộng đồng. Phát triển hài hoà giữa kinh tế và văn hoá; Chú ý đầy đủ đến yếu tố phát triển văn hoá và xây dựng con người trong quá trình phát triển kinh tế; Khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam, Thủ đô Hà Nội thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Thủ đô là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng.
Tiếp nối nền tảng, di sản quý báu mà chúng ta đang được thừa hưởng, người Hà Nội hôm nay phải phát triển văn hoá Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến, xứng danh là trung tâm văn hoá lớn của cả nước.
Gìn giữ, phát huy những nơi lưu dấu “hồn cốt Thăng Long”
Một trong những yếu tố tiên quyết để giữ gìn một Thăng Long - Hà Nội với những trầm tích văn hóa chính là hệ thống di sản, di tích trong lòng thành phố ngàn năm tuổi. Theo thống kê, toàn Thành phố Hà Nội hiện có 5.922 di tích được kiểm kê; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố.
Gắn bó chặt chẽ với hệ thống di tích lịch sử là những lễ hội truyền thống với nhiều quy mô, hình thức khác nhau, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô. Hà Nội cũng có nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và sinh hoạt văn nghệ dân gian, trong đó có những loại hình được vinh danh là di sản văn hóa thế giới, như: Ca trù, xẩm, hát văn… tạo nên bề dày văn hóa và những lợi thế so sánh cho Hà Nội.
Những canh hát ca trù tại Hà Nội
Từ nhiều năm nay, tại đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc) hay đền Quán Đế (phố Hàng Buồm), những canh hát ca trù vẫn được duy trì tổ chức. Ca trù từng có lúc tưởng mai một nhưng Hà Nội biết trân trọng, nâng niu loại hình âm nhạc dân tộc này. Ngay từ trước khi được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, tại trung tâm phố cổ tiếng phách, tiếng đàn, tiếng ca vẫn vang lên cho người dân và du khách thưởng thức.
Các điểm biểu diễn âm nhạc dân tộc như CLB Ca trù Hà Nội, Giáo phường Ca trù Thăng Long, Bích Câu đạo quán, Nhóm Xẩm Hà Thành… vẫn sinh hoạt đều đặn, đưa hình thức sinh hoạt âm nhạc của cha ông hòa nhập và có chỗ đứng bền vững với đời sống đương đại. Trong khi đó, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà nội, các hoạt động tìm hiểu văn hóa cổ truyền, những trưng bày, các lễ hội truyền thống… thường xuyên được tái hiện để người dân và du khách tìm hiểu, yêu thích và thẩm thấu nét văn hóa cổ truyền đặc trưng của Hà Nội xưa.
Bên cạnh đó, trong công cuộc xây dựng công nghiệp văn hóa của mình, Hà Nội định hình du lịch di sản là thế mạnh. Những di tích, di sản như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, chùa Hương… từ lâu đều đã tham gia vào công cuộc “phát triển kinh tế”.
Trong những năm qua, theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố luôn được quan tâm, đầu tư, đạt nhiều kết quả quan trọng. Hà Nội được ghi nhận là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và sưu tầm các di sản văn hóa cũng như công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Trong những năm qua, Hà Nội liên tục dành nguồn vốn ngân sách kết hợp vốn xã hội hóa để đầu tư, tu bổ di tích. Nhờ đó, trung bình mỗi năm (trừ thời điểm dịch COVID-19 diễn ra), Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám… đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước, thu về hàng chục tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thành phố vẫn quan tâm công tác tu bổ các di tích như đình Ninh Giang, Tam bảo Chùa Nành, Đình Cổ Vũ.
Đặc biệt, Hà Nội đã giải quyết cơ bản hài hòa, hợp lý giữa công tác quy hoạch, quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội trong không gian đô thị với việc áp dụng một số mô hình hiệu quả, tham khảo ý kiến tư vấn của các nhà khoa học, lắng nghe ý kiến dư luận nhiều chiều. Các sản phẩm OCOP, đặc biệt là sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tinh hoa làng nghề đã và đang vừa góp phần phát triển kinh tế địa phương, vừa là những “đại sứ” giới thiệu văn hóa phong phú của Hà Nội.
Những chủ thể sáng tạo ngày càng chủ động và ý thức trách nhiệm
Năm 2019, Hà Nội được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo trên thế giới. Trước đó 20 năm, Hà Nội được vinh danh là Thành phố Vì hòa bình. Trên đà đó, Hà Nội đã là nơi đầu tiên có nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô tiên phong phát triển Công nghiệp văn hóa, nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa ngàn năm, vừa đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Những không gian văn hóa sáng tạo của Hà Nội
Đồng chí Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội cho biết: “Hà Nội sẽ phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô; Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp, phát triển văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Trong các yếu tố quyết định sự thành công của công nghiệp văn hóa thì quan trọng nhất là vấn đề nhân lực. Đó là vấn đề của lâu dài đồng thời trùng hợp với mục đích, nhiệm vụ Chương trình 06 của chúng ta.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa của UNESCO tại Việt Nam từng nói rằng trên thế giới, đã có hàng trăm thành phố thực hiện bước chuyển đổi từ công nghiệp nặng sang công nghiệp sáng tạo. Gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo chính là thời cơ để Hà Nội tiếp bước những thành phố ấy… Hà Nội có lợi thế di sản to lớn mà hiếm thành phố nào có được, cộng với lợi thế nhiệt huyết tuổi trẻ - những công dân sáng tạo và những nỗ lực của các cấp, ngành chính quyền.
Điều rất thuận lợi là, ngay những chủ thể sáng tạo của Hà Nội cũng đã rất ý thức và chủ động trong việc tạo nên những sản phẩm của công nghiệp văn hóa từ rất sớm. Chẳng hạn, con đường gốm sứ ven sông Hồng được đánh giá là một sản phẩm công nghiệp văn hóa thành công thì được khởi tạo nhiều năm nay. Hay rất nhiều không gian văn hóa sáng tạo của Hà Nội được mở ra như 282 Design ở Long Biên, tổ hợp Complex 01, ngõ 167 Tây Sơn, quận Đống Đa, Hanoi Creative City, Tổ Chim xanh, Vụn Art…
Đó là tiền đề để rất nhiều các không gian sáng tạo, những địa điểm, sản phẩm công nghiệp văn hóa tiếp tục được tạo dựng. Nhất là khi thiên thời, địa lợi, nhân hòa như ngày nay, tức là vào lúc dịch bệnh đã yên, Thành phố Hà Nội tạo điều kiện và mọi người đều đồng lòng, nhất trí như ngày nay.
Tin rằng, với tất cả những cố gắng, quyết tâm từ chính quyền tới Nhân dân, dòng chảy của văn hóa Thủ đô sẽ tiếp tục được khơi thông và chảy dào dạt về tương lai.
Cẩm Tú - TTTĐ