Vì sao 559 cán bộ dân số tại Thanh Hóa bỗng nhiên mất việc?
Kinhte&Xahoi
Chỉ vì một Nghị quyết của HĐND tỉnh Thanh Hóa không còn "chức danh cán bộ dân số xã", mà 559 cán bộ dân số không chuyên trách Thanh Hóa mất việc.
Sau công văn số 1707 của Sở Y tế Thanh Hóa, số phận 559 cán bộ không chuyên trách dân số xã chính thức rơi vào thất nghiệp.
Tháng 12/2019, Nghị quyết số 232/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Thanh Hóa ra đời, đồng nghĩa số phận 559 cán bộ DS-KHHGĐ cấp xã lâm vào cảnh thất nghiệp.
Trước năm 2020, tại Thanh Hóa, lực lượng cán bộ DS-KHHGĐ gồm 635 người. Hiện nay, sau khi sáp nhập các xã, còn lại 559 người. Mức phụ cấp được hưởng theo hệ số 0,7 mức lương cơ bản.
Sở Y tế Thanh Hóa lý giải, căn cứ theo Nghị quyết số 232/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Thanh Hóa "không còn chức danh cán bộ dân số xã", việc tuyển dụng lại những cán bộ này vượt quá thẩm quyền của Sở Y tế, bởi lượng nhân sự này thuộc bên chính quyền.
Ngày 15/6, Sở Y tế có báo cáo, đề xuất số 1707-SYT-TCCB gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhằm thực hiện tinh thần công văn số 2822 của Bộ Y tế ngày 22/5/2020 về ổn định tổ chức, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ.
Nhưng rất khó hiểu, báo cáo này không đề cập việc giải quyết cho 559 cán bộ không chuyên trách dân số xã nêu trên.
Liên quan biên chế sự nghiệp ngành y tế, ngày 17/3/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 2048 về việc bổ sung biên chế sự nghiệp y tế cho Thanh Hóa, tổng số 2.911 biên chế.
Theo đó, yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh thống kê, làm rõ chức danh cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ tại trạm y tế xã. Trên cơ sở đó, đề xuất bổ sung số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (biên chế sự nghiệp y tế) để thực hiện việc chuyển đổi nhân viên y tế hợp đồng lao động tại các trạm y tế cấp xã thành nhân viên chính thức.
Ngày 22/5, Bộ Y tế cũng có văn bản số 2822/BYT-TCDS về việc ổn định tổ chức, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ trong đó có nội dung nêu rõ: "Đối với những tỉnh/thành phố đã tuyển dụng viên chức/chuyên trách dân số xã thì giao cho trạm y tế quản lý.
Đối với những tỉnh/thành phố chưa tuyển dụng được viên chức/chuyên trách dân số xã thì chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tuyển dụng hoặc bố trí cán bộ không chuyên trách xã thực hiện nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ".
Trích công văn số 2822 của Bộ Y tế ngày 22/5/2020, có giải pháp tuyển dụng hoặc bố trí cán bộ không chuyên trách xã làm công tác DS-KHHGĐ
Ông Lê Hữu Sự (SN 1969) cán bộ dân số xã Xuân Cao (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa), có thâm niên công tác 13 năm, buồn rầu nói "Lương ba cọc, ba đồng, tôi đã cố gắng bám trụ cống hiến 13 năm qua, từng nhận 5 Giấy khen của GĐ Sở Y tế, mà giờ thành thất nghiệp. Gia cảnh lâm vào túng quẫn thật sự. Chúng tôi đang làm đơn kiến nghị lên UBND tỉnh. Lẽ ra, Sở Y tế phải bố trí chúng tôi tiếp tục công tác mới đúng tinh thần công văn của Bộ Y tế".
Như vậy, đối với Thanh Hóa là tỉnh chưa tổ chức tuyển dụng viên chức/chuyên trách dân số xã, lẽ ra, Sở Y tế phải "tổ chức tuyển dụng hoặc bố trí cán bộ không chuyên trách xã" để làm công tác DS-KHHGĐ theo tinh thần của Bộ Y tế. Thì Sở Y tế Thanh Hóa lại có báo cáo số 1707, "bỏ rơi" luôn số phận 559 cán bộ không chuyên trách toàn tỉnh.
Từ thực trạng trên, đang diễn ra bài toán day dứt giải quyết 559 cán bộ dân số xã. Dù trong số đó, rất nhiều nhân sự đã công tác trên 10 năm, có thâm niên cống hiến tại những làng bản khó khăn.
Mặt khác, 100% cán bộ dân số xã hiện có bằng chuyên môn từ trung cấp trở lên và hầu hết đã được đào tạo kiến thức cơ bản về DS-KHHGĐ 3 tháng. Nhiều người, cho biết, tuổi đã cao, việc kiếm ngành nghề khác để mưu sinh là gần như không thể.
Pháp luật Plus sẽ tiến tục thông tin.
Hoàng Anh Thắng - Pháp luật Plus