Vì sao dịch vụ karaoke, bar chưa được mở cửa trở lại?
Kinhte&Xahoi
Nhiều địa phương đang dần mở lại các hoạt động trong trạng thái bình thường mới, song đến nay, rạp chiếu phim, cơ sở massage, karaoke, quán bar vẫn phải đóng cửa. Doanh thu không có nhưng phải gánh chi phí hàng tháng khá lớn, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí mong chờ ngày được phép mở cửa.
Quán bar, karaoke hiện chưa được mở cửa trở lại. (Ảnh minh họa)
Đại diện một số cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí tại Hà Nội bày tỏ nguyện vọng sớm được hoạt động trở lại, khắc phục những khó khăn, thiệt hại về kinh tế sau dịch, đồng thời cam kết tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Chủ hai cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: “Từ 29/4 các ngành dịch vụ, trong đó có karaoke như chúng tôi đóng cửa đến bây giờ. Thời gian qua, tất cả mọi thứ doanh thu đều bằng 0. Tuy nhiên, các khoản chi phí liên quan đến tiền thuê nhà gần như vẫn phải thanh toán vì trên thực tế tiền thuê nhà đã đóng trước từ 6 tháng đến 1 năm, chủ nhà cũng chỉ hỗ trợ được một phần rất nhỏ. Bên cạnh đó, chi phí về tiền lương nhân viên vẫn phải duy trì với những đội ngũ gắn bó lâu năm phải có khoản chi trả để họ trang trải cuộc sống cũng chính là để chúng tôi có thể giữ được người”.
Cũng theo chủ quán này, karaoke là một ngành mà chi phí đầu tư rất lớn, đầu tư thì không phải ai cũng đủ vốn mà phải đi vay ngân hàng. “Hiện tại chúng tôi có 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke với chi phí đầu tư là khoảng 40 tỷ đồng. Tính riêng tiền lãi vay bình quân mỗi tháng đã mất khoảng 400 triệu. Tiền mặt bằng cả 2 cơ sở cũng gần 400 triệu, chi phí nhân viên vận hành tầm 100 triệu nữa… Mỗi chu kỳ kinh doanh karaoke thông thường 5 năm đã phải tái đầu tư lại thì mới thu hút được khách. Nếu cứ kéo dài chúng tôi lo sẽ phá sản” - người này cho biết.
Một chủ quán bar trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội) cũng bày tỏ sự khó khăn và mong muốn được mở cửa trở lại. “Tính về thời gian từ khi dịch bắt đầu đến giờ thì chúng tôi nghỉ phải hơn một năm rồi. Hiện nay cơ sở đang rất khó khăn, trước tiên là chi phí thuê mặt bằng, hàng tháng vẫn phải chi trả cho chủ đất, chỉ được giảm 2 tháng giãn cách xã hội từ khi người dân không được phép ra đường, người ta giảm cho 15%. Bên cạnh đó, các chi phí vận hành, tiền hỗ trợ cho nhân viên thời gian dịch ở nhà, tiếp theo là tiền chi phí cho những người trực về kỹ thuật vì thiết bị của bar, karaoke cần bảo dưỡng thường xuyên và cũng chỉ có tuổi thọ nhất định”.
Cũng theo chủ quán bar trên, nếu được hoạt động trở lại thì cũng còn rất nhiều khó khăn chờ đợi về nhân sự với lý do nhân sự của quán để đáp ứng yêu cầu tiêm vaccine chỉ ổn định được tầm 50%, còn đâu phải tuyển mới và đào tạo lại. Bên cạnh đó là lượng khách đi chơi cũng không đông như trước. “Khi thành phố cho mở lại thì những quy định mà thành phố đặt ra người dân, hộ kinh doanh như chúng tôi chắc chắn sẽ chấp hành tốt, vì dù có thể doanh thu không được tốt như trước kia nhưng cơ bản cũng đủ duy trì sự hoạt động”, theo ông chủ quán bar.
Các nguyên nhân khiến giới chức y tế đánh giá vũ trường, tiệm xông hơi, massage, quán bar, karaoke là môi trường lây lan virus cao do các địa điểm này đều ở trong không gian kín, không thông gió; nhân viên thường xuyên tiếp xúc nhiều người nên có nguy cơ cao nhiễm nCoV và lây cho người khác; trong đợt dịch lần này, biến chủng mới có tốc độ lây nhiễm rất cao. Trong trường hợp virus lọt vào các quán bar, karaoke khả năng cao sẽ tạo thành ổ dịch lây đến vòng thứ 2, 3.
Theo các chuyên gia y tế, quán bar, karaoke khó đảm bảo quy định về khoảng cách hay khẩu trang. Do đó, đây vẫn là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh cao. Nếu mở lại các cơ sở này không chỉ phải thực hiện tốt 5K, các khuyến cáo từ cơ quan chức năng mà cần thiết phải yêu cầu quét mã QR để quản lý người ra vào quán tốt hơn. Do đó, tại nhiều nước trên thế giới, việc mở lại rạp chiếu phim, vũ trường, quán bar cũng rất thận trọng.
Tuấn Anh - Pháp luật Plus