Vỉa hè “độ bền 70 năm” nứt vỡ sau vài năm: Cần đánh giá lại hiệu quả việc lát vỉa hè

12/12/2022 07:54

Kinhte&Xahoi Chuyên gia cho rằng, việc lát đá vỉa hè của TP Hà Nội cần phải được xem xét, kiểm tra đồng bộ từ khâu nguyên vật liệu, giải pháp thi công, quản lý, kiểm tra, giám sát…

Lời tòa soạn

Một trong những câu chuyện “nóng” được dư luận đề cập đến trong thời gian vừa qua, đó là những viên đá lát vỉa hè được kỳ vọng có độ bền 50 - 70 năm tại Thủ đô, mới sử dụng vài năm đã xuống cấp, thậm chí vỡ nham nhở khiến chính quyền phải thay thế trên một loạt tuyến phố.

Như đã đề cập ở kỳ trước, những viên đá lát vỉa hè được cho là có tuổi thọ 50 - 70 năm đã mau chóng xuống cấp sau một vài năm sử dụng và ngân sách TP Hà Nội đã và đang phải bỏ ra những khoản kinh phí không nhỏ để chỉnh trang, thậm chí là lát mới cho những tuyến đường có vỉa hè bị nứt, vỡ.

Mặt khác, câu chuyện vỉa hè còn là mỹ quan đô thị, là một phần của "bộ mặt" thành phố và gắn liền với chất lượng cuộc sống của mỗi người dân Thủ đô.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội cần khẩn trương kiểm tra đánh giá, thực hiện các giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng hỏng hóc, xuống cấp của vỉa hè, đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện khi tham gia giao thông và mỹ quan đô thị. 

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2016, TP Hà Nội từng ban hành quy định mới về cải tạo hè phố, đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên, có kết cấu bền vững với tuổi thọ có thể lên đến 70 năm.

Vỉa hè bị xuống cấp với nhan nhản các vết nứt, vỡ... thậm chí đá còn bung ra tại đường Nguyễn Trãi.

Ngay từ năm 2017, sau khi một số quận của Hà Nội triển khai lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, dư luận phản ánh những bất cập. Không lâu sau đó, cơ quan chức năng thành phố lập đoàn kiểm tra, tiến hành khảo sát...  

Sở Xây dựng Hà Nội lúc này đã có báo cáo đánh giá về thực trạng cũng như đề xuất giải pháp để quản lý, đầu tư, cải tạo vỉa hè một cách khoa học hơn.

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2016 - 2017, việc triển khai cải tạo, chỉnh trang một số tuyến phố có lát hè bằng đá tự nhiên. Việc lát đá tự nhiên giai đoạn này tại các quận, huyện còn một số nội dung tồn tại trong việc khảo sát thiết kế, thi công, quản lý, sử dụng sau đầu tư…

Một đoạn vỉa hè xuất hiện nhiều vết nứt vỡ trên phố Vạn Bảo (quận Ba Đình).

Đến thời điểm hiện tại, theo số liệu báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã hiện nay trên địa bàn Thủ đô có khoảng 255 tuyến phố được lát đá tự nhiên.

Dù vậy, trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày này, những hình ảnh đáng buồn về các vỉa hè có tuổi thọ lên đến 50 - 70 năm trong tình trạng khá thảm thương như vỉa hè đường Trần Phú (Hà Đông), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Liễu Giai, Vạn Bảo (Ba Đình)… Nhiều đoạn dài nhan nhản vết nứt, vỡ. Có chỗ các viên đá lát bung ra, vỡ nát khiến vỉa hè lồi lõm, lởm chởm.

Và trong khi vỉa hè nhiều tuyến phố ở Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng chỉ sau vài năm hoàn thành việc lát đá, thì tại nhiều tuyến phố khác, việc lát đá, lát vật liệu giả đá đang tiếp tục được triển khai dịp cuối năm, trong đó có cả việc lát thay thế cho các tuyến phố có vỉa hè xuống cấp, hư hỏng.

Một đoạn vỉa hè xuất hiện nhiều vết nứt vỡ trên phố Vạn Bảo (quận Ba Đình).

Trong lúc dư luận đang hết sức quan tâm đến vấn đề lát đá vỉa hè tại Thủ đô, ngày 8/12/2022, bên lề kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong đã có chia sẻ về việc lát đá vỉa hè được UBND thành phố giao các quận huyện có trách nhiệm phê duyệt dự án, phòng quản lý đô thị quận huyện quản lý chất lượng các tuyến phố lát đá trên địa bàn.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, các dự án lát đá vỉa hè do cấp quận, huyện phê duyệt, triển khai thực hiện. Sau khi dự án hoàn thành, Phòng quản lý đô thị có trách nhiệm quản lý chất lượng các tuyến phố lát đá vỉa hè.

Hiện tượng vỉa hè sau khi lát đá xuống cấp thời gian qua chủ yếu được thực hiện trước thời điểm ban hành Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 21/3/2019 về việc "thiết kế mẫu hè đường phố đô thị trên địa bàn TP Hà Nội".

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, đá lát vỉa hè trước giai đoạn này được khai thác bằng phương pháp nổ mìn, cho nên đá bị om. Ngoài ra, đá marble (đá tự nhiên) thường có gân đá, không được đồng chất nên khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự nó vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý.

Thông tin trao đổi nói trên của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong sau đó đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, khi đây là vấn đề nóng trong thời gian vừa qua.

Dù vậy, câu trả lời của lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội lại chưa làm thỏa mãn dư luận và đặc biệt là các đơn vị, chuyên gia trong ngành.

Vật liệu lát đá vỉa hè từng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị của Thủ đô.

Phóng viên Pháp luật Plus đã trao đổi thông tin với một doanh nghiệp sản xuất đá tại Ninh Bình. Đại diện của đơn vị này cho biết, khi lát đá vỉa hè bằng vật liệu đá tự nhiên như tại TP Hà Nội hiện nay thì không thể có chuyện tự nứt vỡ nếu chỉ do thời tiết như nắng mưa thông thường được, trừ khi tác động bằng ngoại lực.

“Không chỉ nhìn vào vấn đề chất lượng của vật liệu khi lát vỉa hè, độ bền vững của vỉa hè lát đá khi đưa vào sử dụng còn chịu ảnh hưởng của yếu tố khác nữa, ví dụ như chất lượng thi công chẳng hạn. Chất lượng thi công sẽ ảnh hưởng nhiều đến độ bền thực tế khi sử dụng”, đại diện một doanh nghiệp sản xuất đá cho biết.

Trước thông tin lý giải của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội về việc đá vỉa hè ở Hà Nội bị hỏng là do một phần "mưa xuống bị giãn nở, tự vỡ," TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã nhấn mạnh đây là một câu trả lời chưa thỏa đáng.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ: “Nếu nói đá tự nhiên bị nứt, vỡ do thời tiết thì tại sao lại đặt ra mục tiêu có độ bền 70 năm khi dùng đá để lát vỉa hè thay loại đá trước đây? Tại sao chúng ta không sử dụng vật liệu khác có lợi ích kinh tế hơn, thay đổi thường xuyên được, tiết kiệm ngân sách.

Đây là vậy liệu đắt tiền, có chất lượng cao và đặt ra mục tiêu là có độ bền 70 năm cơ mà? Loại đá mà mưa xuống bị vỡ, vậy nguyên nhân nào khiến chúng đươc lựa chọn để lát vỉa hè? Nếu mục tiêu của thành phố đó là đá có độ bền 70 năm thì không thể nói như vậy được”, vị Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhấn mạnh.

Cách đây ít lâu, vào đầu tháng 12/2022, HĐND TP Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin trước kỳ họp thứ 10 sẽ diễn ra trong tháng 12.

Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết Ban Đô thị sẽ có kiến nghị trong báo cáo thẩm tra để UBND TP Hà Nội trong năm 2023 cần đánh giá hiệu quả của chủ trương, đánh giá cả về chất lượng việc lát đá vỉa hè.

Theo đó, Ban Đô thị đã có kiến nghị thành phố rà soát, đánh giá lại chủ trương lát đá vỉa hè đang được thực hiện trên nhiều tuyến phố nhưng chất lượng không đảm bảo, vài năm đã vỡ nát gây lãng phí lớn Theo đó, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành bộ quy chuẩn về lát đá vỉa hè, tuy nhiên, gần đây có những tuyến đường có vỉa hè bị hư hỏng.

"Vỉa hè có 2 dạng, một là theo tiêu chuẩn cũ, hai là vỉa hè đang lát đá theo tiêu chuẩn mới. Theo dư luận phản ánh thì mặc dù lát theo tiêu chuẩn mới nhưng vẫn chưa đảm bảo.

Ban Đô thị đã giám sát vấn đề này, đồng thời có kiến nghị trong báo cáo thẩm tra để UBND TP Hà Nội trong năm 2023 cần đánh giá hiệu quả của chủ trương, đánh giá cả về chất lượng. Từ đó, xem xét hiệu quả đến đâu, chất lượng thế nào, có tiếp tục thực hiện lát đá vỉa hè nữa hay không", ông Nguyễn Nguyên Quân thông tin.

Được biết, UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng Hà Nội căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và chỉ đạo của UBND TP tại văn bản số 1385 để phối hợp với các sở, ngành thành phố và đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã trong việc sử dụng vật liệu lát hè, vỉa hè, kết cấu hè và thẩm định, quy trình kỹ thuật trong thi công xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng công trình theo phân cấp, đảm bảo phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng đá lát hè phố bị bong bật, lún nứt, vỡ như đã nêu trên, UBND TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát, đánh giá kỹ các nguyên nhân xảy ra tình trạng đá lát vỉa hè bong bật, lún nứt, vỡ... đã xảy ra trên các tuyến phố.

Từ đó sẽ đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực hiệu quả, thậm chí xem xét lại phương án lát đá hè phố bằng đá tự nhiên (tuyến đá phố nào, thiết kế ra sao, chất lượng đá lát như thế nào...). Vấn đề này sẽ được báo cáo UBND TP trong tháng 1/2023 để xem xét, chỉ đạo.

Trao đổi với Pháp luật Plus, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cũng khẳng định rằng việc lát đá vỉa hè của TP Hà Nội cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc, phải kiểm tra lại đồng bộ từ khâu nguyên vật liệu, giải pháp thi công, quản lý, kiểm tra, giám sát…

Trước hết về khâu nguyên vật liệu, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay, để đánh giá được việc lát đá vỉa hè chúng ta cần nghiên cứu tuỳ loại đá, phải xác định loại đá thích hợp.

“Hiện nay, hiện tượng nứt, vỡ đá sau khi vỉa hè được sử dụng vài năm như dư luận, báo chí phản ánh thì trước hết chúng ta cần phải xem xem là bắt đầu nguồn nguyên vật liệu, nếu là đá tự nhiên thì có thể đạt yêu cầu, còn đá mà khai thác bằng mìn thì phải xác định thời hạn nó khác.

Ngoài ra còn phải xác định kích cỡ lát đá vỉa hè là kích cỡ nào, vì trên vỉa hè chủ yếu là cho người đi bộ, nhưng có rất nhiều khu vực làm chỗ trông xe ô tô, các phương tiện ra vào liên tục. Do vậy, trước hết phải đánh giá lại việc sử dụng nguyên liệu lát vỉa hè cho thích hợp”, vị chuyên gia phân tích.

Ở thời điểm cuối năm, nhiều đoạn vỉa hè đang được "thay áo", lát lại bằng đá tự nhiên.

Tiếp theo, đề cập đến vấn đề giải pháp thi công, vị chuyên gia này cho biết: “Chúng ta cũng cần phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ phần nền để lát đá lên trên độ dày mỏng như nào vì hạ tầng vỉa Hà Nội rất đa dạng chỗ thì có cây xanh, rễ cây, chỗ thì có hạ tầng ngầm như đường nước, đường điện… nên chúng ta cần phải phân loại ra cho thích hợp, phải có hướng dẫn xử lý nền lát khi thi công công trình.

Mặc dù Sở Xây dựng Hà Nội đã có những hướng dẫn cụ thể, nhưng mà các hướng dẫn này là mới chỉ là nguyên lý khoa học, còn chúng ta phải kiểm tra thực tiễn xem thực hiện đúng như thế hay không, đã phù hợp với thực tiễn hay chưa và sửa đổi, rút kinh nghiệm.”

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh: “Trong quản lý, kiểm tra, giám sát khi mà chúng ta phân công, phân cấp thì phải xác định rõ trách nhiệm của đơn vi thi công chứ không thể giao khoán cho các chủ đầu tư là không được”.

Vừa qua, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có ý kiến chỉ đạo các Sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố tăng cường quản lý các dự án lát đá vỉa hè.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị khẩn trương kiểm tra đánh giá, thực hiện các giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng hỏng hóc, xuống cấp của vỉa hè, đảm bảo an toàn cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn trương kiểm tra đánh giá, thực hiện các giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng hỏng hóc, xuống cấp của vỉa hè, đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện khi tham gia giao thông và mỹ quan đô thị.

UBND thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng Hà Nội căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và chỉ đạo của UBND thành phố tại văn bản số 1385 để phối hợp với các sở, ngành thành phố và đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã trong việc sử dụng vật liệu lát hè, vỉa hè, kết cấu hè và thẩm định, quy trình kỹ thuật trong thi công xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng công trình theo phân cấp, đảm bảo phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Lê Hải - Như Trường - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Không một đồng tích lũy

Một vài con số được công bố tại Tọa đàm “Thực trạng lao động khi doanh nghiệp (DN) bị cắt giảm đơn hàng” tổ chức mới đây đã khiến nhiều người giật mình.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/giao-thong-do-thi/via-he-do-ben-70-nam-nut-vo-sau-vai-nam-can-danh-gia-lai-hieu-qua-viec-lat-via-he-d187685.html