Việc gì cũng “đến tay” Thủ tướng, vì sao thế?
Kinhte&Xahoi
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý hậu quả sự cố vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông. Xin cám ơn Thủ tướng đã luôn quan tâm, “xắn tay” cụ thể vào những việc bức xúc xảy ra trong cuộc sống. Nhưng việc gì cũng “đến tay” Thủ tướng. Vì sao thế?
Khu vực xảy ra hỏa hoạn
Chính quyền quản lý đất nước, hệ thống có trách nhiệm với dân ở ta được thiết kế cả “ngang” và “dọc”. Khi chính quyền các cấp vả các cơ quan chức năng làm đúng thẩm quyền, hết thẩm quyền với dân thì không phải việc gì cũng phải “chờ” đến Thủ tướng chỉ đạo mới có thể giải quyết rốt ráo.
Theo văn bản, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng TN&MT và các cơ quan liên quan trực tiếp chỉ đạo, tiếp tục khẩn trương triển khai các công việc xử lý hậu quả vụ cháy ở Công ty Cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông, trong đó chú trọng các vấn đề:
Thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do sự cố vụ cháy; đôn đốc, hướng dẫn, giám sát thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố môi trường, đồng thời điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy nổ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. UBND TP Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư theo kế hoạch đã được chỉ đạo.
Xin chia sẻ với Công ty Rạng Đông trước sự cố hỏa hoạn xảy ra, ngoài mong muốn. Thế nhưng, có lẽ do “cuống” chăng khi Công ty này báo cáo từ năm 2016 chỉ sử dụng viên Amalgam để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên Amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kg.
Thế nhưng qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8 cùng với quá trình đấu tranh, Công ty Rạng Đông phải thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng Hg lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam) với khối lượng phát tán ra ngoài môi trường khoảng 15,1 kg đến 27,2 kg.
Ngay sau khi xảy ra hỏa hoạn, UBND phường Hạ Đình đã có công văn gửi đến người dân sống gần khu vực yêu cầu triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp bảo vệ sức khỏe đồng thời “kịp thời thông báo cho UBND phường hoặc trạm y tế phường các trường hợp ảnh hưởng đến sức khỏe, các trường hợp nghi ngộ độc do bụi tro tàn dư của cháy”… Đây là cảnh báo hết sức cần thiết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, biết chăm lo đến sức khỏe, đời sống người dân của UBND phường Hạ Đình.
Thế nhưng chính quyền cấp trên lại yêu cầu “thu hồi” văn bản với lý do tránh gây hoang mang dư luận và kiểm điểm người ban hành văn bản rất phù hợp với tình huống này. Điều này một lần nữa cho thấy sự lúng túng trong việc ứng phó với một sự cố có ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư đông đúc ngay ở Thủ đô.