Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters
Theo Nhà Trắng, khoản quyên góp này sẽ đến từ kho dự trữ 80 triệu liều thuốc mà Tổng thống Biden đã tuyên bố dành tặng cho nước ngoài trước đó. "Đối với 80 triệu liều này, Mỹ sẽ chia sẻ 75% thông qua COVAX và 25% sẽ được nhắm mục tiêu để giúp đối phó với sự gia tăng trên khắp thế giới", tuyên bố cho biết.
Như vậy, Mỹ sẽ gửi 41 triệu liều tới sáng kiến COVAX, và tổ chức này sẽ phân phối vaccine cho các quốc gia trên khắp châu Phi, châu Á, cũng như Trung và Nam Mỹ. 14 triệu còn lại sẽ được gửi trực tiếp từ Mỹ đến một danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Bờ Tây, Dải Gaza và Kosovo.
Trong số 55 triệu liều vaccine trao tặng, khoảng 14 triệu liều sẽ được chuyển đến Mỹ Latinh, 16 triệu liều tới châu Á và 10 triệu liều còn lại cho châu Phi. Một số quốc gia được nêu tên cụ thể rằng sẽ nhận được vaccine từ Mỹ bao gồm Brazil, Haiti, Panama, Costa Rica, Ấn Độ, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Pakistan, Philippines, Việt Nam...
"Chia sẻ hàng triệu vaccine với các quốc gia khác báo hiệu một cam kết lớn của Chính phủ Mỹ", tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, "tương tự những gì đã làm trong nước, chúng tôi sẽ hành động nhanh nhất có thể, đồng thời tuân thủ các yêu cầu pháp lý và quy định của Mỹ và nước sở tại, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển vaccine qua biên giới quốc tế một cách an toàn và bảo đảm".
The Independent dẫn nguồn số liệu theo dõi vaccine do một công ty Trung Quốc vận hành cho thấy, Mỹ hiện tài trợ tổng cộng 580 tỷ liều vaccine, đóng góp cao hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác. Chính phủ Trung Quốc đứng thứ 2 khi đã tặng khoảng 25 triệu liều.
Bất chấp sự đóng góp của chính quyền Tổng thống Biden, sáng kiến COVAX hiện vẫn đang nỗ lực để đảm bảo tất cả các liều lượng cần thiết, nhằm hoàn thành cam kết cung cấp 2 tỷ lượt tiêm chủng đưa ra cuối năm 2020.
Hương Thảo - Theo KTĐT