Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai sẽ diễn ra tại Việt Nam dự kiến trong các ngày từ 26 đến 28/2 tới. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định đây là sự kiện đối ngoại hàng đầu của Việt Nam trong năm 2019.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp kiểm tra Trung tâm báo chí và công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai. (Nguồn: TTXVN)
Trước thềm sự kiện, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Lê Đình Tĩnh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao về vai trò, vị trí của Việt Nam trong Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng này.
- Thưa ông, theo ông, vì sao Việt Nam được chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai, một sự kiện quốc tế đặc biệt quan trọng?
Tiến sỹ Lê Đình Tĩnh: Có nhiều nguyên nhân và cách đánh giá nhưng tôi cho rằng có bốn nguyên nhân chính để phía Hoa Kỳ và Triều Tiên chọn Việt Nam làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai.
Thứ nhất, Việt Nam là một điểm đến an toàn và an ninh. Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm tổ chức nhiều sự kiện quốc tế quy mô lớn, tính chất phức tạp, ví dụ như Hội nghị APEC 2017, Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018.
Thứ hai, Việt Nam nằm trong số không nhiều các quốc gia trên thế giới có quan hệ tích cực với cả Hoa Kỳ và Triều Tiên. Với Hoa Kỳ, kể từ khi bình thường hóa năm 1995 đến nay, quan hệ hai nước ngày càng phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt là từ sau khi thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2013. Với Triều Tiên là quan hệ hữu nghị truyền thống luôn được duy trì từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay.
Thứ ba, quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng được cộng đồng quốc tế, khu vực chia sẻ và chấp nhận. Đó là quan điểm ủng hộ quá trình đối thoại, sử dụng các biện pháp hòa bình, đặc biệt là quan điểm ủng hộ phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Thứ tư, như truyền thông và dư luận quốc tế đánh giá, Việt Nam được cho là một kinh nghiệm tốt để cho phía Hoa Kỳ và cả Triều Tiên muốn chia sẻ với cộng đồng quốc tế trên hai khía cạnh. Một là là kinh nghiệm của việc chuyển mối quan hệ từ cựu thù sang đối tác và từ đối tác đến một đối tác hợp tác thực chất. Hai là kinh nghiệm của một quốc gia đổi mới, mở cửa, hội nhập, có quan hệ hợp tác hữu nghị và thực chất với các nước, ưu tiên phát triển kinh tế trong khi vẫn duy trì được sự ổn định về chính trị, đảm bảo được môi trường an ninh hòa bình để phục vụ phát triển.
Tiến sỹ Lê Đình Tĩnh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao. (Ảnh: NV/Vietnam+)
- Việt Nam có vai trò, vị trí như thế nào trong cuộc gặp Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai này?
Tiến sỹ Lê Đình Tĩnh: Vai trò, vị trí của Việt Nam trong cuộc gặp Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần này thể hiện ở trên phương diện quan trọng nhất là Việt Nam với tư cách nước chủ nhà, cung cấp địa điểm, hỗ trợ hậu cần, an ninh, lễ tân.
Vai trò thứ hai, gián tiếp hơn, là thông qua việc lựa chọn địa điểm và nhờ sự hỗ trợ của Việt Nam, cả Hoa Kỳ và Triều Tiên đều muốn chuyển thông điệp về cách tiếp cận coi trọng đối thoại, cởi mở, biến điều không thể thành có thể. Bản thân Việt Nam là một câu chuyện từ không thể thành có thể, chuyển từ cựu thù thành đối tác, từ nước nghèo nàn lạc hậu thành nước có thu nhập trung bình, là điểm đến hấp dẫn của du khách, các nhà đầu tư và đang có vị thế ngày càng cao tại khu vực và trên thế giới…
Vai trò thứ ba là ở cương vị chủ nhà, mặc dù Hoa Kỳ-Triều Tiên đàm phán trực tiếp với nhau nhưng với chủ trương và cách tiếp cận trên, Việt Nam cũng được xem như một tác nhân trong việc kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Một lần nữa, Việt Nam đã có tên trên bản đồ ngoại giao hòa giải của thế giới.
- Là nơi diễn ra sự kiện ngoại giao quốc tế quan trọng, theo ông, điều đó cho thấy vị thế, vai trò của Việt Nam như thế nào trên trường quốc tế?
Tiến sỹ Lê Đình Tĩnh: Việc Việt Nam được chọn để diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên cho thấy thế giới đánh giá cao vai trò của Việt Nam, một quốc gia không chỉ tích cực, mở cửa mà còn tích cực tham gia đóng góp vào công việc chung của quốc tế. Năm ngoái, Việt Nam đã phái cử bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Nam Sudan theo cam kết gìn giữ hòa bình với Liên Hợp quốc.
Không chỉ dừng lại ở việc tổ chức các sự kiện, Việt Nam sẽ được trông đợi nhiều hơn trong vai trò chủ tịch ASEAN 2020 và có thể là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.
Hình ảnh của Việt Nam với vai trò chủ nhà và với cách tiếp cận xây dựng sẽ được các quốc gia, chính phủ của các nước trong khu vực và quốc tế đánh giá cao hơn trong việc xử lý các vấn đề của khu vực, đặc biệt là các chủ đề có tính chất phức tạp như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Về mặt chiến lược, việc ủng hộ cuộc gặp thượng đỉnh lần này giúp Việt Nam tiếp tục chuyển tải một cách nhất quán thông điệp đối ngoại của Việt Nam từ trước tới nay là ủng hộ việc xử lý các xung đột khu vực và quốc tế thông qua các biện pháp hòa bình như đối thoại, thương lượng, trung gian hòa giải. Từ đây, có thể Việt Nam sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong tiến trình hòa bình và hòa giải khu vực. Đây cũng là cách thực hiện cụ thể Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về nâng tầm đối ngoại đa phương, trong đó có đề cập đến ngoại giao hòa giải.
Sự kiện này cho thấy Việt Nam đã có vóc dáng ngoại giao của một quốc gia tầm trung. Tiêu chí, bộ nhận diện quốc gia tầm trung về mặt ngoại giao là quốc gia ủng hộ các giải pháp đa phương đối với các mâu thuẫn, xung đột quốc tế, ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tích cực đóng vai trò cầu nối giữa các nước cường quốc với các nước vừa và nhỏ hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Theo VietnamPlus/GĐPL