Vụ VN Pharma: Tranh cãi thuốc giả hay kém chất lượng?

26/09/2019 09:42

Kinhte&Xahoi Hiệp hội dược Ấn Độ khẳng định lô thuốc chữa ung thư H-Capita nhập vào Việt Nam là thuốc thật, do nhà máy tại Ấn Độ sản xuất. Tuy nhiên, Chủ tọa phiên tòa cho là các bị cáo trong vụ án đang bị truy tố về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" chứ không phải là thuốc giả.

Doanh nhân Ngô Nhật Phương khẳng định là thuốc thật

Chiều 25/9, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên chủ tịch HĐQT công ty VN Pharma), Võ Mạnh Cường (giám đốc công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) và 10 bị cáo khác về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Tại phiên tòa chiều nay, HĐXX tập trung thời gian làm sáng tỏ số thuốc công ty VN Pharma xin giấy phép nhập khẩu vào Việt Nam là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng

Với tư cách là người liên quan, ông Ngô Nhật Phương (kinh doanh tại Campuchia) cho biết tài liệu đã nộp cho cơ quan điều tra và tòa án thể hiện lô thuốc VN Pharma nhập về được sản xuất tại nhà máy Ấn Độ. "Đây không phải là thuốc giả", ông này nói.

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng.

Ông Phương trình bày, có nhiều bạn làm trong Hiệp hội dược Ấn Độ, Lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM. Khi biết cơ quan tố tụng Việt Nam đang điều tra, xét xử vụ án VN Pharma nhập thuốc giả, Hiệp hội dược Ấn Độ, cơ quan điều tra Ấn Độ đã rà soát tất cả các đơn thuốc bán sang Việt Nam.

Quá trình rà soát xác định nhiều năm trước một số người Việt đặt vấn đề mua thuốc của nhà máy tại Ấn Độ nhưng đề nghị ghi xuất xứ Canada trên bao bì. Các công ty này không đồng ý, bảo bên mua tự thực hiện việc dán nhãn xuất xứ. "Hàng này sau đó được đưa từ sân bay Ấn Độ sang Singapore và chuyển về Việt Nam. Hiệp hội dược Ấn Độ khẳng định lô thuốc sản xuất tại nước họ là thuốc đạt tiêu chuẩn", ông Phương cho biết.

HĐXX nói: "Tài liệu ông cung cấp, tòa cũng đã nhận được từ Lãnh sự quán Ấn Độ".

Năm 2017, khi vụ án VNPharma đưa ra xét xử lần đầu, ông Phương đang kinh doanh tại Campuchia thì được người của Hiệp hội dược Ấn Độ tìm, nhờ đưa cho cơ quan tố tụng Việt Nam các tài liệu thể hiện lô thuốc H-Capita do nhà sản xuất Ấn Độ sản xuất và là thuốc thật. Ông Phương sau đó cho phiên dịch tài liệu, cùng người của hiệp hội này nộp cho tòa. Quá trình vụ án điều tra bổ sung, ông Phương được triệu tập với tư cách người có quyền nghĩa vụ liên quan, 7 lần làm việc về các thông tin liên quan đến tài liệu cung cấp.

Lúc đạt chất lượng lúc không!
 
HĐXX gọi ông Lê Xuân Hoành (một trong 9 thành viên Hội đồng giám định chất lượng lô thuốc H-Capita, sau khi phát hiện là giả). Ông Hoành cho biết thuốc không đạt yêu cầu chất lượng tiêu chuẩn "tạp chất liên quan, phần tạp không định danh lớn nhất" theo tiêu chuẩn cơ sở. Kết quả kiểm nghiệm tạp không định danh lớn nhất là 0,17%, trong khi tiêu chuẩn cơ sở phải thấp hơn 0,1%...

Các bị cáo tại phiên tòa.

HĐXX cho biết, quá trình điều tra bổ sung, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế kết luận giám định này hoàn toàn khách quan, chính xác. "Căn cứ vào các tiêu chí, ông đánh giá thuốc các bị cáo nhập về là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng?", chủ tọa hỏi. Ông Hoành nói "không có thẩm quyền đánh giá" nên từ chối trả lời.

Chủ tọa sau đó lưu ý, các bị cáo trong vụ án đang bị truy tố về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh chứ không phải là thuốc giả.

Ông Dương Công Minh (đại diện Viện kiểm nghiệm thuốc TPHCM) cũng được tòa mời lên thẩm vấn. Ông này cho biết, theo yêu cầu của Thanh tra Cục Quản lý dược, Viện kiểm nghiệm thuốc lấy mẫu thuốc H-Capita để kiểm định. Kết quả cho thấy thuốc đạt 5/6 chỉ tiêu và kết luận thuốc này đạt chất lượng.

Chủ tọa hỏi "kết quả này có mâu thuẫn với kết quả giám định của Hội đồng giám định, Bộ Y tế năm 2015 không", ông Minh trả lời: "Không. Vì thời điểm lấy mẫu của Viện kiểm nghiệm và Hội đồng giám định cách nhau 6 tháng. Các tạp chất không định danh có thể phát sinh trong quá trình bảo quản thuốc".

Quá trình xét xử phúc thẩm lần 1, ông Subrata Kumar Burman (quốc tịch Ấn Độ) có thông qua bị cáo Phạm Văn Thông nộp cho TAND cấp cao tại TPHCM các tài liệu thể hiện lô thuốc H-Capita 500mg Caplet do nhà máy Affy Parenterals của Ấn Độ, sản xuất bán cho công ty Magnolia limited của Ấn Độ, công ty này tiếp tục bán cho công ty Helix, sau đó, công ty Helix bán cho công ty VN Pharma thông qua Võ Mạnh Cường. Lô thuốc này được vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore rồi về Việt Nam.

Hồ sơ vụ án thể hiện, Bộ Y tế đã có văn bản và cung cấp các tài liệu thể hiện đoàn công tác Bộ Y tế đã làm việc với cơ quan quản lý dược của Ấn Độ xác nhận lô thuốc H-Capita có cùng số lô, ngày sản xuất với lô hàng do nhà máy Affy Parenterals theo đơn đặt hàng của công ty Magnolia limited.

Kết quả tương trợ tư pháp, văn phòng Tổng chưởng lý Singapore trả lời công ty vận chuyển, giao nhận hàng hóa Evo Logistics cho biết xuất xứ thuốc H-Capita là từ Ấn Độ. Cơ quan điều tra đã yêu cầu tương trợ tư pháp cho Ấn Độ 2 lần nhưng chưa có kết quả.

Ngày 26/9, phiên tòa tiếp tục xét hỏi.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Theo Dân Trí/ Pháp luật Plus