Đưa nghề về làng
Tốt nghiệp đại học, anh Nguyễn Đức Tuấn (ở xã Khai Thái, Phú Xuyên, Hà Nội) may mắn tìm được công việc tốt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, anh vẫn luôn trăn trở khi quê anh không có nghề phụ. Bố mẹ anh cũng như nhiều người dân khác trong xã chỉ trông vào cây lúa.
“Một năm hai vụ, nếu thời tiết thuận lợi người dân quê mình sẽ trồng được thêm vụ thứ ba. Thời gian nông nhàn nhiều nhưng không có nghề phụ để tăng thu nhập cho gia đình”, anh Tuấn kể.
Ngoài cây lúa, quê anh, xã Khai Thái cây chuối được trồng phổ biến. Tuy nhiên, người dân chỉ lấy quả, một số ít tận dụng được lá khô, lá tươi, hoa tươi. Một số hộ tận dụng thân cây làm thức ăn chăn nuôi nhưng dần dần thay thế bằng thức ăn công nghiệp nên cũng không sử dụng đến. Gần như 100% là chặt bỏ, gây lãng phí và thậm chí gây ô nhiễm môi trường, người trồng chuối phải mất chi phí cho việc đốn hạ, vứt bỏ thân chuối sau thu hoạch.
Anh Nguyễn Đức Tuấn
Năm 2019, anh Tuấn được một người bạn chia sẻ về mô hình làm sợi chuối. Nhận thấy mô hình này vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có ở quê vừa tạo việc làm cho người dân nên anh quyết tâm đưa về xã.
Tháng 11/2019, anh Tuấn cùng một số bà con trong xã Khai Thái thành lập tổ sản xuất, đầu tư nhà xưởng để sản xuất sợi chuối. Với mong muốn tập trung hoàn toàn vào mô hình sản xuất sợi chuối, anh quyết định xin nghỉ việc 6 tháng ở công ty về công nghệ thông tin.
Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, mô hình dần ổn định. Tháng 6/2020, Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái chuyên sản xuất, chế biến cây chuối thành sợi đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức ra mắt. Anh Tuấn đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Theo anh Tuấn, hiện tại Việt Nam có khoảng 150.000ha chuối lấy quả có diện tích lớn, quy mô trang trại, nông trại, nếu tính cả diện tích nhỏ lẻ của các hộ gia đình, các giống chuối không lấy quả như: chuối lá, chuối hột, chuối rừng thì diện tích lên đến trên 200.000ha. Diện tích chuối này tương đương với khoảng 200.000 tấn sợi mỗi năm, với giá sợi thô thấp nhất trên thị trường quốc tế hiện nay là khoảng 3,5 USD/kg thì số lượng sợi như vậy tương đương khoảng 700 triệu USD.
Sợi chuối thô có thể được sử dụng để làm ra nhiều loại sản phẩm như thủ công mỹ nghệ, giấy các loại như giấy in tiền, giấy gói hàng, đến những vật liệu cao cấp dùng trong công nghiệp ôtô, du thuyền… có giá trị gia tăng lớn.
Từ quy mô chỉ 2 - 3 lao động, hiện nay xưởng của HTX đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 30 lao động từ việc chặt chuối, vận chuyển, tuốt sợi, ép bã, ngâm ủ nước thân chuối...
Người dân sơ chế cây chuối
Năm 2020, 2021, dịch COVID-19 bùng phát gây khó khăn trên mọi mặt đời sống, trong đó có người sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, anh Tuấn vẫn “vững tay chèo” đưa hợp tác xã vượt qua khó khăn, tạo việc làm ổn định cho người dân.
“Ngay khi đưa mô hình về làng, mong muốn lớn nhất của mình là tạo việc làm cho người dân. Việc sản xuất sợi chuối có tiềm năng rất lớn, vì vậy mình sẽ nỗ lực mở rộng mô hình sang các địa phương có thế mạnh về nguyên liệu”, anh Tuấn chia sẻ.
Vượt khó vươn lên
Ở xã Liên Bạt (Ứng Hòa, Hà Nội) chàng trai Nguyễn Minh Sơn được nhiều người nể phục khi luôn biết vượt khó vươn lên. Dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến đời sống, gây khó khăn cho người sản xuất, kinh doanh nhưng Sơn đã vượt qua không chỉ duy trì tốt hoạt động của trang trại mà còn mở rộng quy mô.
Hiện trang trại của Sơn có 400 con lợn nái và 3.000 lợn thịt thương phẩm, doanh thu năm 2021 đạt hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Sơn là cựu sinh viên trường Cao đẳng Bách khoa Hà Nội. Ra trường chàng trai trẻ đã thử sức tại nhiều lĩnh vực khác nhau với thu nhập rất tốt. Tuy nhiên, nhà neo người nên bố mẹ muốn chàng trai trẻ trở về quản lý công việc kinh doanh vận tải của gia đình.
Anh Nguyễn Minh Sơn
Năm 2014, anh Sơn quyết định về quê lập nghiệp nhưng việc kinh doanh vận tải của gia đình lại gặp khó khăn. Phải làm việc gì để tạo lập sự nghiêp riêng là câu hỏi khó với chàng trai sinh năm 1994...
Anh Sơn lên mạng tìm hiểu về những mô hình khởi nghiệp của thanh niên nông thôn để có hướng đi. Tình cờ, anh gặp người quen đang làm việc tại công ty thức ăn chăn nuôi. Được gợi ý, Sơn tìm hiểu và bàn bạc với gia đình đấu thầu 30 mẫu đất để xây dựng trang trại chăn nuôi lợn tổng hợp.
Ý tưởng đã có nhưng thực tế lại khác. Quê của anh Sơn là vùng đất trũng, khó cải tạo, để hoang hóa từ lâu. Do đó, anh Sơn cùng gia đình phải đầu tư không ít tiền của cải tạo khu vực này.
“Thời gian đầu mọi thứ cứ rối tung vì mình chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như chăn nuôi”, anh Sơn chia sẻ
Để có bước đi chắn chắn, Sơn hợp tác với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam theo mô hình khép kín để có đầu ra ổn định cho lợn thương phẩm. Đặc biệt, với người chưa có kinh nghiệm, việc này giúp anh được nhận sự hỗ trợ về kỹ thuật và thức ăn chăn nuôi. Vì thế, ngay năm đầu tiên Sơn đã có lãi.
“Thừa thắng xông lên”, anh Sơn mạnh dạn đầu tư đào ao nuôi cá kết hợp với dịch vụ hồ câu. Bên cạnh đó, anh cũng thử nghiệm chăn nuôi lợn nái để tận dụng diện tích trang trại và tăng thêm thu nhập.
Non kinh nghiệm lại mở rộng mô hình chăn nuôi vội vàng khiến Sơn gặp không ít khó khăn. Mặt khác, bệnh dịch bùng phát khiến giá cả lên xuống thất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăn nuôi.
“Có thời điểm, mình mất cả trăm triệu đồng. Khi đó, mình càng thấm thía chăn nuôi phải ứng dụng khoa học và kỹ thuật tiên tiến”, anh Sơn cho biết.
Để giải quyết bài toán chăn nuôi, anh Sơn chủ động tìm tòi, quy hoạch, mở rộng chuồng trại và thực hiện mô hình theo hướng chuyên nghiệp hơn. Không chỉ phát triển kinh tế, Sơn còn tích cực tham gia công tác Đoàn, góp phần cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.
Nguyễn Dũng - TTTĐ