WHO: 175 quốc gia trên thế giới áp dụng các hình thức quản lý thuốc lá làm nóng

25/05/2024 08:22

Kinhte&Xahoi Đầu năm 2024, theo Tổ chức Y tế Thế giới, có 175 quốc gia quản lý thuốc lá làm nóng bằng nhiều hình thức như cấm sử dụng tại những nơi cấm hút thuốc, dán nhãn cảnh báo sức khỏe đối với điếu thuốc đặc chế của thuốc lá làm nóng, áp dụng các quy định về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ tương tự thuốc lá điếu.

Cụ thể, theo Báo cáo toàn diện về nghiên cứu và bằng chứng về các sản phẩm thuốc lá mới, cụ thể là thuốc lá làm nóng (TLLN hay còn gọi là thuốc lá nung nóng), do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tại Hội nghị Các bên về Kiểm soát thuốc lá lần thứ 10 (COP10) hồi đầu năm 2024, tổ chức này đã thu thập dữ liệu lại 195 quốc gia.

Trong đó, có 69/195 quốc gia và vùng lãnh thổ có quy định cụ thể về TLLN dưới dạng thuốc lá điếu, thuốc lá mới, thuốc lá không khói, hay các dạng khác. 86 quốc gia ngầm quản lý TLLN theo quy định của thuốc lá điếu. Hầu hết đều áp dụng mức thuế suất cho TLLN thấp hơn so với thuốc lá điếu.

TLLN độc hại đến mức nào?

Mặc dù tính độc hại của TLLN vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng các sản phẩm này đã được kiểm soát và cung cấp hợp pháp tại nhiều quốc gia trong nhiều năm nay. Trong đó, bao gồm các nước có nền kinh tế cao (khối G7) gồm Mỹ, Italia, Đức, Anh, Canada, Nhật Bản, Pháp, các quốc gia thành viên OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế). Ngoài ra, còn có các nước và vùng lãnh thổ lân cận Việt Nam như Malaysia, Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Đài Loan (Trung Quốc).

Tại Philipines, Đạo luật quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (2022) đặt ra các quy tắc về việc nhập khẩu, kinh doanh, phân phối, sử dụng và truyền thông cho các sản phẩm TLLN, TLĐT và các sản phẩm thay thế khác.

Trong khi đó ở Malaysia, TLLN đã được hợp pháp hóa từ 2018 theo luật kiểm soát thuốc lá hiện hành. Đến năm 2023, sản phẩm này tiếp tục được phân loại khác so với thuốc lá điếu theo quy định Kiểm soát sản phẩm thuốc lá hút tại dự luật Y tế Công cộng năm 2023.

Toàn cảnh phiên giải trình. (Nguồn: THQH)

Việc quản lý TLLN cũng giúp các quốc gia đạt được một số kết quả trong kiểm soát thuốc lá. Cụ thể, năm 2023, Chính phủ Philippines đã thu được 3 tỷ đô-la doanh thu thuế thuốc lá để phục vụ cho các chính sách công.

Trong khi đó, tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu tại Nhật Bản đã đến 44% kể từ khi TLLN có mặt trên thị trường.

Tại hầu hết các quốc gia, quyết định quản lý TLLN được đưa ra căn cứ trên hệ thống luật của nước sở tại, khuyến nghị của WHO và tình hình thực tiễn trong nước.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ (FDA), WHO và CDC Mỹ đều xác nhận hàm lượng các độc chất gây ra các bệnh do hút thuốc lá có trong khí hơi của TLLN là thấp hơn so với thuốc lá điếu.

Nhận diện đúng về TLLN, TLĐT để có quy định phù hợp

Tại phiên giải trình “Trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của TLĐT, thuốc lá nung nóng” ngày 4/5 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khi ấy nêu rõ định hướng để các Bộ đề xuất chính sách quản lý TLLN, TLĐT nhằm ứng phó với tình hình buôn lậu leo thang như hiện nay.

Theo ông Mẫn, cần hiểu đúng về TLLN, TLĐT, đánh giá tác hại của các sản phẩm này, có thông điệp rõ ràng, cụ thể đến người dân và chính kiến về trách nhiệm của Nhà nước.

Những kiến nghị về khung pháp lý cần bảo đảm tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật và có giải pháp thực hiện phòng, chống tác hại của TLLN, TLĐT.

Việc quản lý phải trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, và trên cơ sở phân tích tác động đến người dùng, doanh nghiệp, năng lực cơ quan quản lý Nhà nước.

"Mổ xẻ" nguyên liệu thuốc lá bên trong điếu TLLN và thuốc lá truyền thống. (Ảnh: PLO)

Tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nêu rõ, xét trên cấu tạo nguyên liệu của sản phẩm có “sợi thuốc lá”, Bộ Công Thương kiến nghị đưa TLLN vào kiểm soát theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL). Tuy nhiên, Bộ Công Thương chọn giải pháp thận trọng là bước đầu chỉ áp dụng hình thức thí điểm quản lý TLLN.

Bổ sung thêm các căn cứ pháp luật của đề xuất này, bà Thắng nhấn mạnh việc đề xuất quản lý TLĐT, TLLN là nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao phó. Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ Công Thương đã có nhiều nghiên cứu cấp Bộ về TLLN, có tham khảo công bố từ FDA Hoa Kỳ và thực tiễn kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới.

Với quan điểm cấm các sản phẩm này, nhiều đại biểu tại phiên giải trình cũng đặt ra nhiều nội dung chất vấn, cụ thể về cơ sở pháp lý, căn cứ khoa học của việc cần thiết bắt buộc phải cấm TLLN hay TLĐT. Nhất là khả năng mất cân đối trong hệ thống quản lý giữa TLLN và thuốc lá điếu, nếu cả hai loại này đều được xác định là sản phẩm thuốc lá.

Đồng thời, lệnh cấm còn đi kèm với việc phải sửa Luật PCTHTL và Luật Đầu tư, bởi hiện nay thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện cũng như có quyền tự do kinh doanh, sử dụng sản phẩm không bị cấm theo Luật Đầu tư và các quy định của Hiến pháp.

Đối với vấn đề bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngăn chặn giới trẻ, phòng chống tác hại thuốc lá, Luật PCTHTL hiện hành vẫn còn nhiều dư địa để thực thi.

Thái Vũ - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://phapluatplus.vn/who-175-quoc-gia-tren-the-gioi-ap-dung-cac-hinh-thuc-quan-ly-thuoc-la-lam-nong-199367.html