Gần 12 triệu người trên thế giới được xác định mắc Covid-19. (Ảnh: Getty)
"Chúng tôi công nhận đang có các bằng chứng nổi lên ở khía cạnh này cũng như ở các khía cạnh khác liên quan đến virus gây Covid-19 và đại dịch và do vậy chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ phải cởi mở với nó để hiểu được những vấn đề liên quan đến cách thức lây truyền và cả các biện pháp phòng ngừa cần thực hiện”, Giáo sư Benedetta Allegranzi của WHO nói trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 7/7.
Bà Allegranzi nói thêm: “Nguy cơ lây nhiễm qua không khí ở những môi trường công cộng, những không gian khép kín, chật hẹp, hệ thống thông gió kém là không thể loại trừ. Tuy nhiên, chúng ta cần tập hợp chứng cứ và làm sáng tỏ, chúng tôi ủng hộ điều này”.
Chuyên gia về truyền nhiễm của WHO Maria Van Kerkove cũng cho biết: "Chúng tôi đang thảo luận về nguy cơ lây truyền qua không khí và qua các hạt chất lỏng siêu nhỏ (aerosol) là một trong các cách thức lây lan của Covid-19".
Những bình luận trên được đưa ra sau khi 239 nhà khoa học từ 39 quốc gia khác nhau đã ký vào một bức thư gửi WHO để khẳng định rằng có bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 lây lan qua không khí.
WHO trước đó nói rằng, virus này chủ yếu lây lan qua các giọt bắn nhỏ từ mũi hoặc miệng, các hạt này không thể bay xa trong không khí cũng như không thể lơ lửng lâu trong không khí khi một người người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
Các chuyên gia cho rằng, WHO đã bỏ qua con đường có nguy cơ lây lan thứ ba là aerosol. Họ cho biết, các giọt bắn có kích thước siêu nhỏ này có thể lơ lửng trong không khí trong thời gian dài. Điều này khiến cho các môi trường khép kín như xe buýt và các không gian chật hẹp khác trở thành môi trường tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao.
Dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc và hiện đã lan ra hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến gần 12 triệu người mắc bệnh, gần 550.000 người tử vong. Giới khoa học thừa nhận, đến nay “chúng ta còn quá nhiều điều chưa biết về Covid-19”.
Minh Phương