Người dân phản ánh về việc phải nộp tiền để được làm sổ đỏ. Ảnh: NĐ.
Muốn cấp đất phải nộp tiền
Ông L.C.S (trú tại thôn Tân xá, xã Ba Lòng (trước kia là thôn Tân Trà, xã Hải Phúc) huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) có 1,2 ha đất đã canh tác khoảng 15 năm. Khi đang đi làm ở xa thì ông S nhận được thông tin từ cán bộ xã Hải Phúc (nay đã sát nhập vào xã Ba Lòng) phải quay trở về nhà để đo đất, làm sổ đỏ.
Cán bộ xã Hải Phúc nói với ông S rằng, phải có khoảng 20 triệu thì xã mới làm sổ đỏ, nên ông S phải đi vay mượn. Khi đến trụ sở UBND xã Hải Phúc nộp tiền, cán bộ xã này không đưa giấy xác nhận đã nhận tiền. Đến khi công S đề nghị, thì người thu tiền đưa cho một tờ giấy biên nhận có nội dung “tiền mượn đất”.
Tương tự, ông N.N.Th (trú tại thôn Tân Xá, xã Ba Lòng) có khai hoang 1,7ha đất tại xã Hải Phúc cũ từ 16 năm trước. Mỗi năm, gia đình ông Th phải nộp 500 nghìn đồng/ha/năm vì sử dụng đất do xã quản lý. Sau đó, ông Th nhận được thông báo của xã Hải Phúc là nộp tiền thì sẽ được làm sổ đỏ cho phần đất đang canh tác với lý do xã thiếu tiền làm công trình công cộng. Sau đó, ông Th đã nộp 25,5 triệu đồng cho cán bộ xã.
Giấy xác nhận “Tiền mượn đất” mà xã đã thu của người dân. Ảnh: NĐ.
Ngoài ông S và ông Th, ở xã Hải Phúc cũ, không ít hộ đã phải nộp tiền cho xã để được làm sổ đỏ như trên. Do có hoàn cảnh khó khăn, nên nhiều hộ xin được giảm tiền, nhưng cán bộ xã kiên quyết không đồng ý, khiến người dân phải đi vay đi mượn khắp nơi.
Làm vốn đối ứng xây công trình và trả cho hàng quán?
Tìm hiểu cho thấy, khoảng tháng 4.2019, UBND xã Hải Phúc lập danh sách những hộ dân có nguyện vọng cấp đất sản xuất. Sau đó, xã làm tờ trình đề nghị huyện Đakrông cấp sổ đỏ cho các hộ dân dựa trên số liệu Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đakrông đo đạc. Việc làm và cấp sổ đỏ cho người dân là hoàn toàn miễn phí.
Vậy tại sao người dân phải nộp tiền để được cấp sổ đỏ?, trước câu hỏi này, ông Hồ Xuân Hoàng - Chủ tịch UBND xã Ba Lòng (trước khi sáp nhập là Chủ tịch UBND xã Hải Phúc) nói rằng UBND xã Hải Phúc không buộc người dân nộp tiền để cấp đất. Mà người dân đã tự nguyện đóng góp để xã xây dựng nông thôn mới.
Cũng theo ông Hoàng, có 9 hộ dân ở thôn Tân Trà (nay sát nhập thành thôn Tân Xá) có sử dụng đất do xã quản lý, đã tự nguyện đóng góp tiền cho xã. Số tiền thu được ông Hoàng không nhớ rõ, nhưng đã sử dụng để đối ứng công trình xây dựng nông thôn mới và trả nợ ở các hàng quán mà xã đã tiếp khách.
Ông Nguyễn Trí Tuân – Bí thư huyện Đakrông nói rằng, sẽ đề nghị Thanh tra huyện vào tìm hiểu thông tin vụ việc nói trên. “Ngay khi có kết quả, nếu sai thì chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định” – ông Tuân, cho biết.
Hưng Thơ