Việc “tăng kịch khung” thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu vẫn đang là vấn đề thời sự, làm “đau đầu” cả người dân lẫn doanh nghiệp khi thời điểm 1.1.2019 chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa.
Không lo không được khi nhiên liệu chiếm tỷ trọng tới 40% trong giá thành vận tải.
Không “đau đầu” không xong khi thuế bảo vệ môi trường đang tạo áp lực tăng giá khi xăng dầu là mặt hàng mang tính chất đầu vào của cả nền kinh tế.
Xăng dầu đang gánh quá nhiều thuế phí và có khả năng sẽ thêm một loại phí mới: Phí bảo vệ môi trường đối với khí thải (ảnh LĐO).
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh từng nói đến cái mốc 3 tháng của một quá trình “cân đối liên ngành”: Giá của một mặt hàng đầu vào tăng, kéo theo giá đầu ra của các mặt hàng thứ 2 tăng lên. Ví dụ, xăng tăng giá sẽ khiến sắt thép tăng rồi gián tiếp tác động đến giá nhà… Sau 3 tháng, quá trình cân đối liên ngành này sẽ tác động đầy đủ”.
Còn chưa tới thời điểm tăng, còn chưa lường hết những tác động tới người dân, doanh nghiệp cũng như nền kinh tế thì giờ đây, lại có thêm một thứ phí mới đang được rậm rịch chuẩn bị, cũng tính trên mỗi lít xăng dầu: phí bảo vệ môi trường đối với... khí thải, trong một đề án mà Bộ Tài chính đang thúc giục các bộ ngành xây dựng.
Rất vô lý. Khi sử dụng xăng dầu, người dân đã đóng thuế bảo vệ môi trường- về nguyên tắc là để xử lý khí thải từ xăng dầu. Giờ lại tiếp tục đóng phí, cũng nhân danh bảo vệ môi trường- cho khí thải thì đó chính là phí chồng thuế. Đó chính là đánh cả thuế lẫn phí cho cùng một loại nguồn ô nhiễm.
Tổng mức thuế, phí trong giá xăng dầu hiện chiếm tới 54% giá thành của mặt hàng xăng dầu. Một mức cao kỷ lục. Và nếu loại phí này tiếp tục được “đánh” trên xăng dầu là rất thiếu công bằng với người dân, DN.
Không ít liên quan, Bộ Nội vụ vừa nhận định trong dự thảo nghị định về mức lương cơ sở 2019 rằng: Mức lương tối thiểu vừa mới được tăng lên 1.390.000 đồng từ 1-7 vừa qua chỉ đạt 39,46% so với nhu cầu sống tối thiểu bình quân năm 2018.
Sáng nay, TS Ngô Trí Long vừa đưa ra khuyến cáo “cần phải cân nhắc kỹ”. Tiền phong dẫn lời ông Long nói rằng: Khi thu nhập của người dân chưa cao mà có quá nhiều loại thuế, phí sẽ vắt kiệt sức dân”.
Có thể, “mớ” 15.000 tỉ “thuế” hay bao nhiêu đó “phí” sẽ giúp ngân sách hạ nhiệt khó khăn trong tức thời, nhưng hậu quả đối với nền kinh tế thì không nhỏ. Không nhỏ bởi nó không những làm khó khăn thêm cuộc sống của người dân mà còn là khả năng cạnh tranh và cả sự chịu đựng của DN cũng như nền kinh tế.
Theo Báo lao động/Phapluatplus