Ngày 14/2/2020, nhận xét với Đất Việt về việc chủ doanh nghiệp Xuân Trường bỏ tiền ra xây chùa Tam Chúc (huyện Kim Bảng, Hà Nam), dành riêng một khu xây đền Tứ Ân rồi đúc tượng thờ mỗi vợ mình- cư sĩ Diệu Liên (tức bà Phạm Thị Lan) trong đó, một vị Hòa thượng đang tu hành tại chùa Yên Tử (Quảng Ninh) cho rằng, đây là việc làm không đúng.
Đền Tứ Ân thờ cư sĩ phật tử Diệu Liên, tức bà Phạm Thị Lan. Ảnh Dân trí.
Vị Hòa thượng này cho biết: Theo giáo lý của nhà Phật, trong chùa chỉ thờ vị Quan thế âm Bồ tát và Phật tổ Như Lai. Còn đối với người tu hành thì còn phải chịu tứ ân. Đó là: Ân quốc gia xã hội; Ân cha mẹ; Ân đà na thí chủ (người nuôi dưỡng, chu cấp) và cuối cùng là ân thầy tổ.
Người tu hành ngoài thờ các vị phật kể trên thì còn phải thờ các vị mang 4 ân đức với bản thân người tu hành. Tuy nhiên, khác với việc xây cũng Tam bảo thờ Phật thì những ân nhân được người tu hành thờ vào một vị trí phù hợp khác, thường là không trùng hoặc gần nơi thờ Phật.
Đền Tứ Ân nằm bế thế, ngay trung tâm chùa Tam Chúc (Ảnh Infonet).
"Hai nơi thờ Phật và thờ tứ ân phải riêng biệt nhau. Nếu như du khách thập phương đến chiêm bái thì thường chỉ cần lễ Phật còn đến khu vực thờ tứ ân chủ yếu chỉ là thăm quan. Nhưng ngày nay nhiều du khách đến với chùa vẫn có sự nhầm lẫn mà cúng lễ, vái lạy cả ban thờ tứ ân" - vị Hòa thượng cho biết.
Đối với những nhân vật được lựa chọn thờ tại khu vực thờ tứ ân thì ngoài cha mẹ, thầy tổ thì những người có ân quốc gia xã hội, ân đà na thí chủ thường phải là người có công với quốc gia xã hội, gây dựng đất nước, chống giặc ngoại xâm, cứu dân chúng khỏi những tai họa.
"Còn những người có công xây chùa, phát triển chùa thường chỉ được tạc bia để ghi nhớ công đức cho chùa chứ không thể xây đền thờ riêng trong khuôn viên của chùa như ở chùa Tam Chúc được. Họ - người xây dựng chùa Tam Chúc làm như thế thì hơi "lố" và dễ gây phản cảm. Đối với người tu hành mà việc phô trương như thế không những không mang phúc đức cho bản thân mà còn bị người đời dị nghị" - vị Hòa thượng tại chùa Yên Tử cho biết.
Nói rõ hơn về việc cư sĩ Diệu Liên được thờ tại đền Tứ Ân - chùa Tam Chúc, vị Hòa thượng này nhận xét, người này đúng là có công xây dựng và phát triển ngôi chùa ngày một khang trang, bề thế nhưng xét cho cùng vẫn chỉ là một người làm công đức, đem lòng xây chùa và chỉ có công lao với ngôi chùa đó chứ không phải là giang sơn xã tắc nên việc xây riêng ngôi đền để thờ là làm "hơi quá".
"Ông Nguyễn Văn Trường muốn xây đền thờ vợ là điều không ai cấm. Nhưng ngôi đền đó đúng ra phải nằm ngoài khuôn viên chùa Tam Chúc, trên mảnh đất của riêng vị doanh nhân này." - vị Hòa thượng nhận xét.
Cư sĩ Diệu Liên - vợ ông chủ doanh nghiệp Xuân Trường được đúng tượng, thờ trong đền Tứ Ân (Ảnh Infonet).
Chỉ nên tạc bia công đức
Cùng trao đổi về vấn đề này, TS Dương Văn Khanh - Viện nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam cho rằng, trong mỗi ngôi chùa ở Việt Nam thường có nơi gọi là nhà thờ Tổ. Đó là nơi thờ những vị có công với đất nước, với chùa.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được lựa chọn để thờ trong đó. "Thường là những vị khai sáng ra vùng đất nơi chùa xây dựng, người đầu tiên đặt nền móng Phật giáo hay truyền bá tư tương đạo Phật tại nơi đó mới được lựa chọn để thờ. Còn lại, những người đến làm công quả tiến cúng cho chùa thường chỉ được tạc bia hoặc có giấy công đức mà nhà chùa viết, gửi tặng vị thí chủ đó" - ông Khanh cho biết.
Còn trường hợp chùa Tam Chúc dành hành khu vực đền Tứ Ân để thờ cư sĩ Diệu Liên tại nơi trung tâm của chùa là "việc làm hiếm thấy" trong các ngôi chùa của Việt Nam.
"Thông qua bảng giới thiệu về cư sĩ Diệu Liên đặt tại đền Tứ Ân thì công lao của người này mới chỉ dừng lại ở việc xây chùa Tam Chúc, còn các chùa khác như thế nào thì cần phải có sự kiểm chứng của các sư trụ trì nơi đó, hoặc sử sách có ghi lại thì mới xứng đáng được thờ.
Còn không, chỉ nên tạc bịa ghi công lao của cư sĩ Diệu Liên tại chùa Tam Chúc" TS Dương Văn Khanh nói.
Vị chuyên gia này cho rằng, đền thờ cư sĩ Diệu Liên mở rộng cửa do du khách vào thăm quan là điều không đáng chê trách nhưng nhà chùa bố trí nơi thờ và khu vực thờ như kiểu đây là một vị thánh, khiến du khách hiểu nhầm mà vào khấn vái là điều khó có thể chấp nhận.
Từ đó, dẫn tới điều tiếng về việc có sự ưu ái cho người nhà chủ đầu tư chùa Tam Chúc là điều dễ hiểu. "Làm như thế dù không vi phạm pháp luật nhưng quá phô trương, dễ dẫn đến hiểu nhầm về đạo Phật, văn hóa tâm linh của người Việt Nam" - ông Khanh kết lại.