Xây dựng nền kinh tế tự chủ
Kinhte&Xahoi
Những năm qua, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) không chỉ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mà còn chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy doanh nghiệp nội địa phát triển với vai trò là mắt xích trong chuỗi cung ứng. Trong khi đó, Việt Nam cũng đã có nhiều cố gắng phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện, phụ tùng và bước đầu tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, Việt Nam có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, nhưng trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia. Nhìn chung, tỷ lệ nội địa hóa được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp. Chẳng hạn với công nghiệp ô tô, tỷ lệ nội địa hóa với xe dưới 9 chỗ ngồi trung bình mới đạt khoảng 7-10%, trong khi mục tiêu là 30-40% vào năm 2020.
Hay với lĩnh vực điện tử, tỷ lệ nội địa hóa đạt 5-10%, trong khi mục tiêu đến năm 2025 phải đạt 45%. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp FDI chưa phát huy đầy đủ vai trò lan tỏa, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển thông qua chuyển giao công nghệ, hình thành chuỗi cung ứng để nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài, năng lực sản xuất, cạnh tranh hạn chế nên không thể chen chân vào chuỗi cung ứng. Dù với lý do nào thì đây là vấn đề cần khắc phục nếu muốn xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Dự lễ khánh thành Nhà máy Hayat Kimya - một dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tại Khu công nghiệp Becamex Bình Phước mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu nâng cao hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa các nước và Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, chủ trương thu hút FDI, coi khu vực FDI là một bộ phận của nền kinh tế là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng với dân số gần 100 triệu người, để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, Việt Nam không thể chỉ dựa vào doanh nghiệp nước ngoài mà phải có đội ngũ doanh nghiệp trong nước đủ lớn, đủ mạnh. Chính sách thu hút FDI phải theo hướng là tìm nguồn vốn đầu tư, thị trường xuất khẩu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Doanh nghiệp FDI không chỉ làm ăn thuận lợi mà phải hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp trong nước liên kết, tham gia vào chuỗi sản xuất. Còn doanh nghiệp trong nước phải chủ động đầu tư công nghệ, đổi mới quản trị bằng chiến lược dài hạn để từ việc sản xuất phụ tùng, linh kiện đơn giản tiến tới cho ra những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị lớn trong cơ cấu giá trị sản phẩm, rút ngắn khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng từ sản xuất nội địa.
Đảng, Nhà nước có hàng loạt chính sách khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Số lượng doanh nghiệp ra đời ngày càng nhiều, song phần lớn vẫn là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, tập đoàn kinh tế đủ sức tham gia “sân chơi” toàn cầu rất ít. Vì thế, cần tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với doanh nghiệp nước ngoài; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; hình thành các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng và địa phương, trong đó ưu tiên đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ... Để xây dựng nền kinh tế đủ năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới, rất cần coi trọng phát triển tập đoàn kinh tế lớn, không chỉ đủ sức tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu mà còn phải có khát vọng làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường đầu tư và thương mại của thế giới.
Một quốc gia độc lập, tự chủ phải có một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đó là nền kinh tế có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và bảo đảm độ an toàn cần thiết; phát triển và có năng lực cạnh tranh cao; cơ cấu xuất, nhập khẩu cân đối; đầu tư trực tiếp nước ngoài trong một số ngành kinh tế, nhất là lĩnh vực kinh tế quan trọng, chiếm tỷ lệ không chi phối được nền kinh tế... Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nền kinh tế độc lập, tự chủ có khả năng thích ứng cao với những biến động của quốc tế và ít bị tổn thương trước những biến động đó; trong mọi tình huống đều đáp ứng được việc duy trì hoạt động bình thường của xã hội... Để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nguồn lực trong và ngoài nước cần được kết hợp hài hòa, trong đó phải phát huy mạnh mẽ nội lực.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ cần được chú trọng, vì mục tiêu phát triển bền vững.
Gia Khánh - Hà Nội mới