Chương trình “Tết Việt - Tết phố” do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội tổ chức nhân dịp đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: TTXVN
Với vị trí địa lý và vai trò đặc biệt của mình, Thủ đô Hà Nội có vinh dự, tự hào vì là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất. Bước vào Xuân Giáp Thìn 2024, chúng ta cùng nguyện thề với Bác Hồ kính yêu, chung sức đồng lòng thực hiện lời dạy của Người.
Một là, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Thủ đô Hà Nội cũng luôn kiên định lý tưởng cách mạng “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Đó là xu thế thời đại mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã lựa chọn, được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tầm nhìn chiến lược thiên niên kỷ ngay từ khi mới thành lập, được đồng bào yêu nước tin tưởng đi theo, được lịch sử kiểm chứng suốt 94 năm qua.
Thời phong kiến Đại Việt tự chủ, kinh đô Thăng Long luôn xứng danh là hồn thiêng sông núi. Thời đại Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội tiếp tục nêu gương sáng tiên phong về tinh thần vệ quốc vĩ đại, vừa hăng hái kiến quốc vừa anh dũng cứu quốc. Ý chí tự chủ, tự lực, tự cường chính là nền tảng tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Hà Nội có thể chưa phải là Thủ đô rộng nhất, đông dân nhất, giàu nhất, nhưng chắc chắn Hà Nội đã và mãi giữ được khí phách dân tộc, bất khả xâm phạm, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.
Tuy nhiên, nếu chỉ có được độc lập mà dân vẫn chưa được nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chưa được thụ hưởng giá trị đích thực của tự do, dân chủ, hạnh phúc, thì độc lập chưa trọn vẹn. Cho nên, Thủ đô cần phải giữ được tính chủ động, sáng tạo trong đổi mới, phát triển bền vững, lại vừa phải đi đầu, gương mẫu trong tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đời sống vật chất của người dân Thủ đô không chỉ đơn thuần là mức tăng trưởng kinh tế và bình quân thu nhập đầu người cao hơn mức bình quân cả nước, mà còn phải là tính chất phương thức sản xuất hiện đại, dựa vào ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đời sống tinh thần của người dân Thủ đô cũng có những mức độ yêu cầu cao hơn, đó phải đích thực là đời sống văn hóa với các chuẩn giá trị của con người “Tràng An”, để cả nước nhìn vào Thủ đô ta, bạn bè quốc tế chiêm ngưỡng Thủ đô ta, đều có cảm nhận: Người dân Thủ đô là hình mẫu của văn hiến, văn minh, thanh lịch, hiện đại; cảnh vật Thủ đô quả là xanh, sáng, sạch, đẹp. Người dân Thủ đô nêu gương sáng về thực thi pháp luật, hưởng ứng nhiệt thành phong trào thi đua yêu nước, tham gia có trách nhiệm vào việc xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, tự làm chủ trong xây dựng đô thị văn minh, văn hóa, nông thôn mới.
Các tuyến phố của Thủ đô Hà Nội được trang trí pa nô, áp phích chào mừng Xuân Giáp Thìn 2024. Ảnh: Đỗ Tâm
Hai là, trong sự nghiệp đổi mới, Thủ đô Hà Nội luôn là chỗ dựa tinh thần, sự nuôi dưỡng khát vọng đổi mới, sáng tạo. Giờ đây sau gần 40 năm đổi mới, mỗi khi nhìn lại hình ảnh tư liệu, nhìn lại những đồ vật còn lưu giữ tại một vài quán ẩm thực với những dấu ấn thời bao cấp trên đất Thủ đô, đem soi chiếu với hoạt động kinh tế - xã hội thời hiện tại, ta càng thêm thấu hiểu quyết định chính trị của Đảng về đổi mới để “tự cứu mình trước khi trời cứu”; và ta càng thêm thấm thía triết lý giàu tính nhân bản của Bác Hồ kính yêu “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Có biết bao chuyện cảm động nói về tình cảm của Bác dành cho đồng bào Thủ đô, đặc biệt là câu chuyện vào dịp Tết cổ truyền Quý Mão 1963, Người đã đến thăm gia đình một phụ nữ nghèo ở phố Hàng Chĩnh. Những lời nói mộc mạc của người phụ nghèo góa bụa con côi đã khiến Bác nặng trĩu trách nhiệm. Người đem ra bộc bạch với các thành viên Bộ Chính trị quây quần chúc Tết đối với Bác, Người thổ lộ: “Bữa nay tôi có một chuyến thăm một nhà nghèo nhất Thủ đô Hà Nội. Cô Tín, chủ nhà, giờ này còn phải đi gánh nước thuê để có tiền mai mua gạo cho con. Chúng ta đã quá quan liêu để không biết những câu chuyện như vậy ở ngay tại Thủ đô đất nước mình. Tôi biết không chỉ có một nhà như chị Tín đâu, người nghèo còn nhiều. Một đảng cầm quyền mà để người dân mình nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Ðảng với nhân dân...”.
Tính Đảng trong Bác thật khiêm nhường và nghiêm khắc, từ bấy đến nay, trải qua 61 năm, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội có thể tự hào thưa với Bác kính yêu, rằng đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thủ đô đã khá hơn nhiều lắm, dẫu vẫn còn đâu đó những cảnh đời éo le, cần tiếp tục phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, mở rộng vòng tay nhân ái khắp ngõ phố, thôn quê.
Ba là, trong thời đại toàn cầu hóa, Thủ đô Hà Nội là nơi hội tụ giá trị tinh hoa toàn cầu, nơi chắt lọc tinh hoa văn hóa năm châu bốn biển, nơi lan tỏa giá trị truyền thống ngàn năm văn hiến, cuốn hút lòng người khám phá, ngưỡng mộ. Thủ đô Hà Nội là kho báu của hàng ngàn di tích, danh thắng, mãi là niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Kho báu ấy là vốn quý tinh thần dân tộc, tài nguyên phi vật thể, tạo nên là sức mạnh mềm cho Thủ đô vươn tầm cao mới. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” định hướng xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành biểu tượng “văn hiến - văn minh - hiện đại”, đã thể hiện tầm nhìn lịch sử của Đảng, đặt yêu cầu hàng đầu đối với Thủ đô là phải mang dấu ấn văn hiến ngàn năm lịch sử, đó thực sự là mẫu số chung cho mọi sự phát triển của Thủ đô. Văn hiến của Việt Nam dựa trên nhiều giá trị văn hiến của dân tộc, nhưng trước hết, trên hết là dựa vào văn hiến được bồi đắp bởi văn hiến Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Đây là nền văn hiến mang bản sắc văn minh lúa nước, trên châu thổ sông Hồng, gắn liền kỳ tích trị thủy, dựa vào vùng đất giàu phù sa để làm ra của cải nuôi sống muôn dân, duy trì nhà nước, dựng thành đắp lũy kiên cố; đồng thời dựa vào sông nước mà bày trận thủy chiến đánh tan giặc ngoại xâm. Sự cố kết cộng đồng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được mô phỏng từ các truyền thuyết, liên quan tới vùng Thủ đô, cũng là minh chứng cho lòng yêu nước, thương nòi của người Việt… Giữa thời kinh tế số, vẫn còn lưu giữ, bảo tồn, lan tỏa giá trị văn hiến, văn minh sông Hồng là điều đương nhiên, có điều không vì bảo tồn giá trị văn hiến, văn minh mà cản trở công cuộc đổi mới; vấn đề chính là ở chỗ tìm ra cách ứng xử hài hòa cùng tồn tại giữa giá trị truyền thống và tạo lập giá trị hiện đại.
Nhớ lại mùa xuân đầu tiên nước nhà độc lập, Thủ đô Hà Nội phải đối mặt với tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, đến nay sau 79 năm, Thủ đô Hà Nội đang có được diện mạo, tầm vóc rất đáng tự hào, ở thế rồng bay khỏe khoắn (như dáng rồng thời Lý - Trần), hướng lên chín tầng mây xanh, mở rộng không gian phát triển và hội nhập. Trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024, lòng ta bồi hồi dâng trào cảm xúc đọc lại lời kết trong Thơ chúc Tết của Bác Hồ Xuân Giáp Ngọ 1954: “Hòa bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông. Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều”.
Bút Tháp - Hà Nội mới